Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Tại hội nghị giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022, Bộ GD-ĐT cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển ĐH sớm trong năm 2023 (trừ một số trường hợp đặc thù). Tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.
Tỉ lệ ảo cao
Xét tuyển sớm được nhiều trường ĐH áp dụng trong nhiều năm qua đối với những phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2021 trở về trước, những thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm phải xác nhận trúng tuyển và làm thủ tục nhập học trước khi Bộ GD-ĐT chạy lọc ảo xét tuyển theo kết qủa thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, Bộ GD-ĐT quy định những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT để lọc ảo chung.
Ở những năm từ 2021 trở về trước, những thí sinh trúng tuyển sớm xác nhận nhập học tại các trường có tỉ lệ không cao, khoảng 35% số gọi trúng tuyển. Năm 2022, khi Bộ GD-ĐT sửa quy chế quy định thí sinh trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký lại nguyện vọng thì tỉ lệ đặt nguyện vọng 1 cũng tương tự.
Tại Hội nghị tổng kết giáo dục ĐH năm học 2021-2022, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết trong số gần 400.000 thí sinh được công bố đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm chỉ có 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng một. Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
Số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhiều mà thực tế chỉ một phần ba đăng ký nguyện vọng một. Điều này cho thấy việc yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao.
Chỉ khuyến cáo chứ không cấm
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho rằng theo cách xét tuyển của năm 2022 thì thí sinh có quyền chủ động cao khi biết trước trúng tuyển có điều kiện vào các trường. Cách dự kiến mới sẽ giúp cho thí sinh ít có sai sót trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và các trường làm đồng bộ sẽ tăng tính công bằng, giảm tốn kém do thực hiện, nhưng để làm như vậy thì Bộ cần quy định thực hiện chung cho các trường để công bằng và tránh tình trạng có trường xét tuyển trước thì sẽ làm cho thí sinh ở những trường không xét tuyển sớm rơi vào trạng thái lo lắng như năm vừa rồi. Tuy nhiên, Bộ cần có khảo sát lấy ý kiến của thí sinh và các trường trước khi ra quyết định thay đổi, và những thông tin cần được quyết định sớm hơn bằng các văn bản cụ thể để cả các thí sinh và các trường có sự chuẩn bị phù hợp.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông- Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng việc xét tuyển chung đợt cho tất cả các phương thức xét tuyển sẽ đem lại công bằng cho các thí sinh. Thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học lần 1 sẽ có số lượng đông đảo nhất, vì vậy nên đỡ phải chia các lần nhập học như năm 2021 về trước. Việc không xét tuyển sớm thì sẽ không có gì là khó khăn. Khi đó, khoảng tháng 8 là xong hết tuyển sinh thì đầu tháng 9 sẽ nhập học và khi đó sẽ đỡ hơn cho các trường đại học và cả với tân sinh viên.
Tổng thời gian cho xét tuyển và công bố kết quả nên ngắn hơn năm ngoái. Với sự hỗ trợ của công nghệ, sinh trúng tuyển thì sẽ nhập học ngay khi có kết quả trúng tuyển mà các trường đại học đã công bố, còn nếu không trúng tuyển thì có thể chọn các trường khác để học tập và nghiên cứu.
Tuy nhiên, việc công bố quy chế phải sớm hơn năm 2022, năm ngoái đã quá trễ do vậy tiến độ học kỳ 1 phải kéo dài thời gian vì vậy nên các em tân sinh viên phải học tập nhiều và gấp rút để kịp cho tiến độ học kỳ 2 nữa.
Trước thông tin năm 2023 Bộ GD-ĐT quy định không xét tuyển sớm, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy trả lời vấn đề này bộ chỉ khuyến cáo chứ không cấm. Các trường hoàn toàn có quyền công bố xét tuyển sớm. Kết quả xét tuyển chỉ là tạm thời và có điều kiện.
Bình luận (0)