Sáng 9-5, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường theo thông báo mời họp của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT.
Tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ và phương án sử dụng vốn sau phát hành của Trường ĐH Hùng Vương cho thấy việc tăng vốn điều lệ nhằm kiện toàn các yêu cầu về vốn, cơ sở vật chất và đội ngũ đào tạo theo quy định để xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tuyển sinh trở lại trong năm 2016.
Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương tốt nghiệp năm 2014. Ảnh: Tấn Thạnh
Về cơ sở vật chất, trường hiện có tòa nhà trụ sở số 736 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5 với 7 tầng lầu, diện tích sàn 3.210 m2; bảo đảm đào tạo tối thiểu 1.000 sinh viên. Hiện trường có 81 CBNV, giảng viên; trong đó, 19 người hợp đồng lao động với trường và 62 người hợp đồng lao động với Công ty CP Đầu tư Phát triển Trường ĐH Hùng Vương (cổ đông của trường). Số lượng giảng viên là 37 người. Sau đại hội cổ đông, HĐQT mới được công nhận cần đưa 23 giảng viên đang ký hợp đồng với công ty về ký lại với trường, đồng thời cần ký hợp đồng lao động thêm với một số giảng viên nữa để duy trì ngành, xin tuyển sinh.
Theo bà Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng Thường trực, đã có 94,44% số cổ đông tham dự cuộc họp. Tất cả tờ trình về tăng vốn điều lệ, kế hoạch củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ đào tạo và kế hoạch tuyển sinh năm 2016; bầu HĐQT và ban kiểm soát mới... đều được 100% thành viên có quyền biểu quyết tán thành.
Đại hội cũng bầu ra 7 thành viên của HĐQT mới đại diện cho các nhà đầu tư nhưng ai sẽ là chủ tịch HĐQT thì đại diện nhà trường “không có thẩm quyền trả lời” (!?).
Bà An khẳng định đại hội cổ đông bất thường lần này là hoàn toàn hợp pháp theo luật định. Do trước đó, Bộ Tư Pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều khẳng định bằng văn bản gửi đến trường rằng “khối tài sản chung sở hữu hợp nhất không phân chia” không được có người đại diện. Số tài sản này sẽ giao HĐQT nhà trường quản lý để phục vụ nhu cầu phát triển và đào tạo của nhà trường.
Nhiều cán bộ, giảng viên cho rằng trong tài liệu cuộc họp được đăng tải trên trang thông tin của trường không thấy có báo cáo công tác quản lý tài chính và tài sản khi mà trường đã lỗ hơn 50 tỉ đồng từ khi không được tuyển sinh. Người lao động đề nghị ông Đặng Thành Tâm cần phải công khai minh bạch về tổng số lỗ hơn 50 tỉ đồng này. Đây là tài sản của trường được các nhà sáng lập tham gia góp vốn ban đầu, các nhà đầu tư góp vốn theo quy tắc bất vụ lợi và tài sản tích lũy trong hơn 20 năm hoạt động của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cần được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, không được chuyển thành tài sản tư nhân với bất kỳ hình thức nào. n
Bình luận (0)