Với 2.100 chỉ tiêu tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Luật ( thành viên ĐHQG TP HCM) đào tạo các chương trình: đại trà, chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, chất lượng cao bằng tiếng Anh, cử nhân tài năng, song ngành, liên kết quốc tế với các trường Đại học Anh quốc.
Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế - Luật vẫn giữ nguyên 5 phương thức xét tuyển với 3 tổ hợp môn truyền thống: A00 (Toán – Lý – Hóa), A01 (Toán – Lý – Anh), D01 (Toán – Văn – Anh).
Các phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2020 của Bộ GD-ĐT (tối đa 5% tổng chỉ tiêu). Đối với phương thức này, ngoài những quy định theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, để xét tuyển vào Trường thí sinh phải có kết quả học THPT (trung bình học bạ 6 học kỳ) đạt từ 8,0 trở lên.
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQG TP HCM (tối đa 20% tổng chỉ tiêu) dành cho học sinh 149 trường: THPT chuyên, năng khiếu và trường THPT thuộc nhóm các trường có kết quả bài thi THPT QG cao năm 2016, 2017, 2018 (theo danh sách của ĐHQG TP HCM công bố đính kèm). Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị của ĐHQG TP HCM, không giới hạn số đơn vị (có phân biệt thứ tự nguyện vọng, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký) và chỉ đủ điều kiện trúng tuyển khi điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn tổ hợp xét tuyển A00 hoặc A01 hoặc D01 phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ở phương thức này học sinh thuộc 82 trường THPT chuyên, năng khiếu được nhân hệ số 1,05 tổng điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 (trong khoảng 40% đến 60% tổng chỉ tiêu). Ở phương thức này, điều kiện xét tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT ban hành trong năm 2020.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2020 (tối đa 50% tổng chỉ tiêu, tăng 10 % so với năm 2019). Đối với phương thức này, thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị của ĐHQG TP HCM, không giới hạn số đơn vị (có phân biệt thứ tự nguyện vọng, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký).
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đối với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài (học chương trình THPT quốc tế bằng Tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước) vào các chương trình Chất lượng cao, Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, Chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (tối đa 5% tổng chỉ tiêu). Trong đó không quá 10% tổng chỉ tiêu của các chương trình Chất lượng cao; không quá 50% tổng chỉ tiêu của các chương trình Chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp). Để xét tuyển theo phương thức này, thí sinh cần có: điểm trung bình học tập trung học phổ thông (6 học kỳ) từ 7,0 (thang điểm 10); hoặc 2,5 (thang điểm 4); hoặc từ 8 (thang điểm 12); và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có chỉ quốc tế ACT từ 25 điểm hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên; hoặc có chứng chỉ tiếng Pháp từ tương đương DELF B1 trở lên hoặc tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp (xét tuyển đối với chương trình Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp). Thí sinh được đăng ký tối đa không quá 3 nguyện vọng vào Trường, các nguyện vọng phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Năm 2020 Trường sẽ thực hiện tuyển sinh 2 chương trình mới:
- Toán Kinh tế (Toán ứng dụng trong kinh tế, quản trị và tài chính) chất lượng cao của Khoa Toán Kinh tế, mã ngành: 7310108_413C
- Hệ thống thông tin quản lý (Kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo) chất lượng cao của Khoa Hệ thống thông tin, mã ngành: 7340405_416C
Đồng thời, năm học 2020-2021, Trường Đại học Kinh tế - Luật triển khai đào tạo song ngành với các trường khác trong hệ thống ĐHQG TP HCM gồm: Kinh tế quốc tế (chương trình kinh tế đối ngoại), Quản trị kinh doanh (chương trình quản trị kinh doanh), Luật kinh tế (chương trình luật kinh doanh). Trường sẽ tiếp nhận tất cả sinh viên các trường thành viên trong hệ thống ĐHQG TP HCM đủ điều kiện đăng ký học.
Mức học phí của Trường Đại học Kinh tế - Luật trong năm học 2020 - 2021 đối với các chương trình đào tạo được công bố như sau:
- Chương trình đại trà trung bình khoảng 9,8 triệu đồng/năm (980.000 đồng/tháng);
- Chương trình chất lượng cao trung bình 27,8 triệu đồng/năm học và chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh (hoặc tăng cường tiếng Pháp) là 46,3 triệu đồng/năm học.
- Đối với chương trình liên kết quốc tế, học phí của chương trình Cử nhân Anh Quốc Gloucestershire (UoG) là 275 triệu đồng/năm học và chương trình Cử nhân Anh Quốc Birmingham City (BCU) 268 triệu đồng/năm học. Mức học phí này được áp dụng cho 3,5 năm học tại Việt Nam. Tổng giá trị học bổng dành cho sinh viên của Trường hàng năm lên đến 10 tỷ đồng với đa dạng nguồn học bổng.
Các ngành tuyển sinh:
Các mốc thời gian xét tuyển dành cho các phương thức 2, 4, 5:
1. Từ ngày 15/07/2020 đến ngày 15/08/2020:
Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển
- Đối với phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQG TP HCM đăng ký trực tuyến tại trang: https://tuyensinh.vnuhcm.edu.vn.
- Đối với phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2020: đăng ký trực tuyến tại trang: https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn .
- Đối với phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế- Luật (số 669, Quốc lộ 1, Khu phố 3, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM)
2. Từ ngày 24/8 đến ngày 29/8:
Thời gian xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đối với các phương thức
- Đối với phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQGHCM.
- Đối với phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2020.
- Đối với phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
3. Trước ngày 5/9:
Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học
- Đối với phương thức 2 – Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQGHCM:
Nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
- Đối với phương thức 4 – Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2020: Nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đánh giá năng lực năm 2020 của ĐHQG TPHCM và bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020/Bằng tốt nghiệp THPT.
- Đối với phương thức 5 – Xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020/Bằng tốt nghiệp THPT đối với học sinh học chương trình THPT trong nước, hoặc bản chính học bạ và các chứng chỉ tiếng Anh để đối chiếu và xác nhận đối với học sinh học chương trình THPT nước ngoài
Bình luận (0)