Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng Trường ĐH Kinh tế TP HCM được đánh giá là trường ĐH dẫn đầu về lĩnh vực kinh tế ở khu vực phía Nam. Những kết quả của trường được Đảng, nhà nước đánh giá cao.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao cho Trường ĐH kinh tế TP HCM thực hiện 5 nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập. Đổi mới công tác tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập, bảo đảm mở rộng quy mô đào tạo gắn liền nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH; chú trọng gắn kết kiến thức cơ bản với thực tiễn kinh tế xã hội và năng lực, kỹ năng thực hành; phát huy tích cực đổi mới sáng tạo của học viên, sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng hàn lâm và công bố quốc tế; xây dựng nhà trường thành trung tâm nghiên cứu khoa học kinh tế, quản trị kinh doanh, luật học có chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tăng cường huy động đội ngũ nghiên cứu khoa học, các chuyên gia phân tích nghiên cứu chính sách trong và ngoài nước, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển của TP HCM, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ ba, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, phát triển đổi ngũ cán bộ giảng viên, coi đây là lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu chiến lược của nhà trường; xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế với các trường đại học tiên tiến trong khu vực, thế giới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thiết kế chương trình giảng dạy; mời các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế… báo cáo các chuyên đề kinh tế xã hội, hiệu quả đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, cán bộ quản lý, học viên, sinh viên.
Thứ tư, coi trọng công tác quản lý giáo dục, rèn luyện định hướng lý tưởng, sống đẹp về lòng yêu nước để sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Thứ năm, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà trường, xây dựng Đảng bộ nhà trường thật sự trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giúp Trường ĐH Kinh tế TP HCM hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ GD-ĐT, cấp ủy, chính quyền TP HCM thường xuyên chăm lo, lãnh đạo quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất để nhà trường vững bước đi lên, vươn tầm khu vực và thế giới.
GS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết trường được thành lập ngày 27-10-1976 trên cơ sở ĐH Luật khoa Sài Gòn. Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, ĐH Luật khoa Sài Gòn được tiếp quản, sau đó tái thành lập vào tháng 11-1975, với nhiệm vụ tiếp tục đào tạo sinh viên đang học tại các trường ĐH thuộc khối ngành luật, kinh tế và quản trị kinh doanh tại miền Nam để thực hiện mục tiêu đào tạo cán bộ có trình độ ĐH trong cuộc xây dựng và phục hồi nền kinh tế hậu chiến.
Từ 17 cán bộ, giảng viên từ miền Bắc ban đầu vào công tác tại trường, hiện nay, Trường ĐH Kinh tế TP HCM có hơn 600 cán bộ, giảng viên, trong đó có 9 giáo sư, 52 phó giáo sư, 180 tiến sĩ và 378 thạc sĩ. Trường đã đào tạo hơn 217.000 cử nhân kin tế, 10.000 thạc sĩ và 350 tiến sĩ.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, nhà trường đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ truyền thống của UBND TP HCM.
Bình luận (0)