Bí thư thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc
Sáng 14-3, Ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - đã đến thăm là làm việc với ban giám hiệu, các thầy cô Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh cho biết với môi trường học tập năng động, hệ thống quản lý minh bạch, tạo điều kiện sinh viên giao lưu quốc tế, rèn luyện kỹ năng, trường đặt ra mục tiêu trong 7 năm sẽ trở thành trường đứng đầu quốc gia, vượt qua 2 hệ thống ĐHQG và 20 năm tới sẽ vào tốp 500 ĐH hàng đầu thế giới. “Chúng tôi đã tính toán bước đi trong từng năm và dự kiến sẽ phát triển nhanh hơn 2 ĐHQG vì điều kiện và nội lực vững mạnh hơn”, ông Danh nói.
Cũng theo hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường đã trở thành thương hiệu khi đa số lọt qua vòng tuyển dụng của doanh nghiệp, tối thiểu 95% sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng. “Sinh viên ngành điện, điện tử của Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiều năm trước được doanh nghiệp đánh giá chất lượng ngang bằng Trường ĐH Bách Khoa TP HCM. Tuy nhiên, hiện nay, ngành này của Trường ĐH Bách khoa đã đi xuống, còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang dẫn đầu”. Về vấn đề này, ông Đinh La Thăng cho rằng nhà trường cần xem xét học phí của sinh viên đã cân bằng với lương giảng viên và chất lượng đầu ra chưa? Ví dụ, học phí của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tương đương RMIT, tại sao lương giảng viên lại thấp hơn nhiều so với mức lương ở ĐH RMIT? Chất lượng đầu ra có bằng trường người ta không? “Thương hiệu nghĩa là ra trường doanh nghiệp nghe đến tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ nhận ngay, chứ không cần thi tuyển như anh nói”, ông Thăng cho hay.
Ông Vinh Danh giải thích mức thu toàn trường thua Trường ĐH RMIT 26, 27 lần, ngoài học phí không thu khoản nào khác nhưng lương chuyên gia vẫn ở mức 2.000 – 3.000 USD, không thua kém các trường ĐH trong khu vực. “Chất lượng đầu ra, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ thua sinh viên RMIT về tiếng Anh, còn mọi mặt vẫn không kém”, ông Danh nhấn mạnh.
Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Sau khi ông Lê Vinh Danh thừa nhận trường chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu dù quan hệ với doanh nghiệp rất tốt, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo trường cân tăng cường kết nối với các đơn vị này hơn.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói rằng ông rất ấn tượng với cách quản lý bài bản, quy củ, chuyên nghiệp của một trường ĐH thành lập chưa đầy 20 năm với số tiền ban đầu chỉ 500 triệu đồng. Ông đề cao nỗ lực xây dựng thương hiệu, mô hình chuẩn quốc tế không chỉ trong mà ngoài nước của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Từ đó, có thể thấy được trách nhiệm lãnh đạo của TP với sự phát triển của trường. Qua đây, ông Thăng chỉ đạo nhà trường tiếp tục thực hiện công khai dân chủ trong chuyên môn. “Tôi hoan nghênh khát vọng nhà trường nhưng muốn hoàn thành mục tiêu lọt vào tốp 500 trường ĐH tốt nhất thế giới, cần đặt ra mục tiêu bao giờ thì lọt tốp 1.000 trường ĐH? Cần đưa ra đề xuất cụ thể trường phải làm gì, Liên đoàn Lao động làm gì, Chính phủ làm gì?”, ông Thăng nói.
Tại buổi làm việc, Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho biết trường đang đề xuất cơ chế tự bầu ban giám hiệu chứ không phải do Liên đoàn bổ nhiệm. Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cũng cho rằng 20 năm hình thành và phát triển tuy ngắn nhưng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tạo được sức bật “tuổi thanh xuân”. Ông đề xuất lãnh đạo TP HCM cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm chỉ đạo trường hoàn thành đề án trở thành trường cấp quốc tế, có hướng đi phù hợp trong tiến trình phát triển của ASEAN và quốc tế. Đồng thời, ông ủng hộ chủ trương, cơ chế tự chủ theo mô hình doanh nghiệp của trường. Chỉ đạo vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng nhận xét trường thực hiện nhiệm vụ của trường công nhưng cơ chế tự chủ còn nhiều vướng mắc. “Tôi đề nghị Tổng Liên đoàn trao quyền bổ nhiệm cho trường. Đưa lãnh đạo TP ngồi vào ghế ban giám hiệu nhà trường thì suốt ngày họp hành không quản lý tốt được. Nếu có thể, cần xem xét sửa điều luật. Nếu chưa sửa luật được thì đề xuất cho thí điểm”, ông Thăng nói.
Cũng tại buổi làm việc sáng 14-3, ông Lê Vinh Danh bày tỏ khó khăn vì một máy đo loãng xương phục vụ cho việc nghiên cứu nhóm cơ xương của sinh viên vẫn đang ở cảng do Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép suốt 5 tháng nay. Lập tức, ông Đinh La Thăng nhấc điện thoại liên lạc ngay với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cho kiểm tra lại trường hợp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Bình luận (0)