Đầu tư 400 triệu USD xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế, Bộ GD-ĐT nuôi tham vọng sẽ có một mô hình mới chất lượng cao, nhanh đạt tới chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, những dự án ngàn tỉ đồng này đang gặp khó khăn trong tuyển chọn sinh viên (SV) giỏi.
Khai giảng một chương trình tiên tiến tại Đại học Huế
Trường quốc tế vẫn khó tuyển sinh
Đến thời điểm này, 2/4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế trên đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu mà các trường này hướng tới đã không thực hiện được, đặc biệt là việc thu hút những SV giỏi, xuất sắc.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (thành lập theo hiệp định song phương giữa Chính phủ VN và Pháp) đã khai giảng khóa đầu tiên vào giữa tháng 10 vừa qua với không ít khó khăn trong khóa đầu tuyển sinh. Mặc dù thí sinh được nhiều ưu đãi nhưng kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên (với mức điểm nhận hồ sơ là 19), sau đó hạ điểm xét tuyển xuống còn 15 nhưng chỉ có... 30 thí sinh đủ điều kiện nhập học.
Trường ĐH Việt Đức (VGU) thành lập tháng 3 - 2008 trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa hai chính phủ VN và Đức, với vốn vay 180 triệu USD của WB. Dù được thành lập trước 2 năm nhưng kết thúc mùa tuyển sinh năm nay, trường cũng chỉ tuyển được 39 SV/60 chỉ tiêu, trong đó có chưa tới 20 SV đạt mức điểm 21 trở lên.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết bộ đang chuẩn bị đề án tiếp tục thành lập 2 trường ĐH trình độ quốc tế tại Đà Nẵng và Cần Thơ với đối tác chiến lược sẽ là ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ, đồng thời sẽ lựa chọn các đối tác nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Nga...
Bên cạnh đó, chương trình tiên tiến của Bộ GD-ĐT cũng khó khăn trong việc tuyển sinh. Sau 5 năm, đã chi hơn 850 tỉ đồng nhưng số SV được đào tạo chỉ dừng lại ở con số hơn 2.000, một con số rất thấp.
Tiền đã được tiêu đúng cách?
Trong khi những đề án ngàn tỉ đồng của bậc ĐH còn đang khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo thì Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đưa ra đề án “ngàn tỉ” khác ở bậc phổ thông. Đó là đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết đề án sẽ được đầu tư hơn 2.312 tỉ đồng, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT hơn 1.295 tỉ đồng, vốn ODA khoảng 954 tỉ đồng, ngân sách địa phương khoảng 64 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thực tế không phải cứ có nhiều trường, nhiều tiền là có nhiều học sinh chuyên, học sinh giỏi.
Khi đánh giá về thực trạng học sinh giỏi hiện nay, đa số các chuyên gia cho rằng không phải thiếu tiền mà chính cơ chế hiện nay đã không thu hút được học sinh giỏi. Từ khi Bộ GD-ĐT bỏ quy định học sinh đoạt giải quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ, số học sinh giỏi hằng năm ít đi rõ rệt. Mục tiêu của học sinh hiện nay là học để vào trường ĐH chứ không phải học để thi lấy giải.
Thực tế, nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, đủ điều kiện (đạt điểm thi ĐH trên điểm sàn) nhưng không phải trường ĐH nào cũng tiếp nhận. Và vì thế, để thu hút học sinh giỏi vào trường chuyên, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, thu hút giáo viên giỏi, cần có chính sách khuyến khích học sinh.
Tham vọng từ THPT
Cũng giống như các đề án của bậc ĐH, đề án phát triển trường chuyên này cũng ôm tham vọng lớn, đó là mỗi tỉnh, TP sẽ có ít nhất một trường THPT chuyên.
Đến năm 2015, có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành; khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao... |
Bình luận (0)