Thời gian vừa qua, khi các trường ngoài công lập (NCL) gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, có những ngành phải đóng cửa vì không tuyển đủ người học, chúng ta đã nghe nhiều đến những luận điểm đòi hỏi sự “bình đẳng công - tư” trong giáo dục ĐH.
Chưa tận dụng được ưu thế
Dù trường tư được xem là khó khăn hơn trường công nhưng thực tế, các trường NCL cũng đang có những ưu thế mà các trường công không có được. Có thể nói những trường tư thành công chính là nhờ tận dụng được những ưu thế đó để tạo ra sự khác biệt. Có những ưu thế ai cũng thấy, như được tự chủ về mức thu chi, được hưởng một mức độ tự chủ lớn hơn trong việc quyết định nhân sự, nhất là nhân sự quản lý cao cấp. Bên cạnh đó là ưu thế tự chủ trong việc tạo ra một thiết chế quản lý năng động hơn, linh hoạt hơn và hữu hiệu hơn. Điều đáng tiếc là có rất ít trường tư tận dụng được ưu thế này.
Trái lại, các trường tư hiện nay vừa tự phát vừa tự giác sao chép gần như nguyên xi mô hình quản lý của trường công. Nói tự phát là vì phần lớn giảng viên, nhân viên cũng như đội ngũ trưởng khoa và ban giám hiệu của các trường NCL hiện nay xuất thân từ trường công hoặc có thời gian dài làm việc trong các trường công đã mang theo kinh nghiệm của họ vào trường tư và lặp lại cách làm đó. Nói tự giác là vì nhiều trường tư cảm thấy tự ti, yếu thế trước các trường công lập vốn có hàng trăm năm kinh nghiệm hoạt động và uy tín nên đã chủ động bắt chước cách làm của các trường này.
Đáng lẽ các trường NCL cần thấy rằng nếu họ bắt chước cách làm của các trường công lập, chắc chắn sẽ thua cuộc bởi đang lặp lại điểm yếu của trường công trong lúc không có những ưu thế mà trường công đang có. Trong khi đó, nếu tập trung vào những điểm mạnh mà các trường công lập không có được thì họ mới tạo ưu thế của riêng mình, tạo ra những sản phẩm độc đáo và đứng vững trên thị trường đầy cạnh tranh.
Quản lý thiếu hiệu quả
Thật đáng ngạc nhiên khi các trường ĐH tư hiện nay đang vận hành trong một cơ chế quan liêu và kém hiệu quả không thua gì trường công. Trường NCL ở Việt Nam hiện nay, về bản chất không khác gì các doanh nghiệp tư nhân, tức là hướng tới thị trường và chịu sự điều tiết của thị trường. Trong lúc các doanh nghiệp tư nhân đã có tiến bộ rõ rệt trong việc cải tiến cách thức quản trị thì các trường ĐH vẫn còn quản lý con người và công việc chẳng khác nào cách đây vài chục năm.
Về cơ bản, cách quản lý này không dựa trên lòng tin và không dựa trên những công cụ đánh giá hiệu quả một cách xác đáng. Bởi không tin nên phải có nhiều thủ tục rườm rà mặc dù trong thực tế những thủ tục này không hề làm giảm thất thoát, trái lại chỉ sản sinh một tác dụng ngược: nó hình thành văn hóa đối phó và tiêu tốn rất nhiều thời gian của tất cả các bên.
Ít ai biết tiếc nguồn lực thời gian: Nếu chúng ta không phí thì giờ vào những thủ tục vô nghĩa, chúng ta đã có thể làm được khối lượng gấp đôi những việc mình đang làm. Có thể điều này phần nào giải thích cho sự kiện năng suất làm việc của người Việt thấp nhất trong khu vực, chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lao động hàn lâm, chính vì vậy, một số trung tâm xuất sắc đã phải tạo ra một cơ chế đối phó có tính hệ thống: họ thiết lập một bộ phận chuyên nghiệp để làm các loại thủ tục giấy tờ và tài chính, giúp người làm khoa học không phải bận tâm đến những vấn đề đó và tập trung cho lao động chuyên môn của họ.
Cách nào tháo gỡ?
Do thiếu một thước đo kết quả hoạt động xác đáng nên cách quản lý hiện nay không ghi nhận được sự đóng góp của từng cá nhân, không khích lệ những sáng kiến đổi mới và trong thực tế là cản trở những nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả.
Chính vì vậy, mặc dù có toàn quyền thiết lập một hệ thống tuyển chọn nhân sự, nhiều trường tư vẫn không thực sự thu hút được người giỏi hoặc tạo điều kiện để tài năng của họ được sử dụng. Khi trường công được tự chủ về tài chính, học phí sẽ tăng và họ sẽ có điều kiện trả lương tốt hơn cho giảng viên. Mức lương tương đối cao hơn trường công ở các trường tư hiện nay sẽ không còn sức thu hút như trước nữa. Trong bối cảnh đó, những trường thu hút được tài năng sẽ là những trường không chỉ trả một mức lương xứng đáng mà còn tạo ra được một môi trường làm việc tích cực, trong đó giảng viên được tôn trọng, được phát huy năng lực và những đóng góp của họ được ghi nhận một cách thích đáng.
Tạo ra một môi trường làm việc như vậy là điều trong tầm tay của các trường và đó chính là ưu thế cạnh tranh của trường NCL. Nó sẽ tạo ra năng suất lao động, tạo ra một môi trường khích lệ sự sáng tạo và khơi gợi cảm hứng và tất cả những điều này sẽ đặt dấu ấn lên sản phẩm mà họ tạo ra, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của họ.
“Hàng chợ” giá bèo hay “hàng hiệu” giá cao?
Trong 20 năm qua, các trường ĐH chạy theo 2 chiến lược chính: hoặc là nhằm vào phân khúc “hàng chợ”, giá rẻ chất lượng thấp, sản phẩm chủ yếu là tấm bằng hoặc là nhằm vào phân khúc “hàng hiệu”, dựa vào đối tác nước ngoài, mở ra các chương trình liên kết, học phí cao ngất để đổi lấy bằng “ngoại”.
Phân khúc thứ nhất đã gần như bão hòa, mà tín hiệu rõ nhất là 174.000 cử nhân thất nghiệp, thống kê trong quý IV/2014. Phân khúc thứ hai bị hạn chế vì thu nhập của người dân nhìn chung còn thấp và chất lượng của những tấm bằng nửa nội nửa ngoại đó có giá trị không đồng đều. Do vậy, uy tín của nó trên thị trường vẫn còn là một dấu hỏi.
Có một phân khúc vẫn còn trống: hàng thật giá phải chăng. Để sản xuất được loại này thì điều tiên quyết là bộ máy quản lý phải thực sự hiệu quả.
Bình luận (0)