Một ngày giữa tháng 12-2015, chúng tôi chứng kiến trong giờ giải lao buổi sáng ở một trường THPT tư thục trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM), từng nhóm học sinh (HS) nam phì phèo thuốc lá tại các quán cà phê bên cạnh. Không ít HS còn thốt ra những lời thô tục, thách đấu chơi game...
Tìm mọi cách giữ chân học sinh
Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập cho biết tại TP HCM, ngoài Trường THPT Nguyễn Khuyến có quy định tuyển sinh riêng, chỉ khoảng 20% trường giới hạn đầu vào tuyển sinh, chẳng hạn học lực và hạnh kiểm phải đạt mức trung bình, còn hầu hết đều nhận tất cả đối tượng do tình hình tuyển sinh càng lúc càng khó khăn. Chính vì áp lực này nên trường tư không có điều kiện chọn lọc HS. Vì thế, việc giáo dục HS tại các trường rất nan giải và phức tạp.
Giáo viên kèm từng nhóm học sinh tại một trường tư ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận 9, TP HCM, đa số phụ huynh khi đưa HS đến trường tư đều giấu “bệnh” của con em mình. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, HS như thế nào thì… lộ ra hết. Lúc này, các trường mất thêm một công đoạn sàng lọc HS để đưa ra những biện pháp giáo dục kịp thời.
Hiệu trưởng này kể lại: “Có trường hợp một nữ sinh mới học lớp 8, ban đầu đăng ký ở nội trú nhưng sau này buộc phải cho ra ngoài vì suốt ngày đi ve vãn các bạn trai. Thậm chí, em này còn có biểu hiện lẳng lơ trong cách mặc quần áo, cử chỉ, điệu bộ, đi quyến rũ cả thầy giáo. Ngoài ra, có em còn trộm cắp, nghiện game… Hầu như không trường nào dám kỷ luật HS, một phần vì tính pháp lý cao nhất là Thông tư 08 chỉ cho đuổi học 1 năm. Trong vòng 3 năm, chúng tôi chỉ làm giấy chuyển trường cho 1 HS”.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9), cho hay đuổi học HS vi phạm thì ở trường công hay tư đều có nhưng hầu như các trường đều né chuyện này. Ngay cả đợt vừa rồi, khi góp ý về điều chỉnh Thông tư 08, nhiều trường cũng bày tỏ rằng ghi từ “đuổi học” trong hồ sơ của một HS là chuyện rất nặng nề, cực chẳng đã mới mời phụ huynh đến để thỏa thuận chuyển trường. Vì thế, vẫn cần một khung pháp lý cụ thể cho các trường, sát với thực tế hiện nay hơn.
Khoán trắng cho giáo viên
HS trường công học xong còn về nhà nhưng ở trường tư, nơi vừa là trường vừa là nhà của các em, việc quản lý, giáo dục còn phải kiêm luôn nhiệm vụ của giáo dục gia đình. Do đó, áp lực của giáo viên trường tư là rất lớn.
Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, chính đặc điểm của HS trường tư nên việc tuyển giáo viên còn khó hơn nhiều so với trường công. Bởi lẽ, nguyên tắc là ngoài giỏi chuyên môn, giáo viên còn phải hợp với HS mới trụ nổi. Có những giáo viên rất giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc phù hợp khi dạy ở trường tư. Phù hợp ở đây là HS vừa nể vừa phục thầy cô thì sẽ tự giác ngoan và chịu học.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết do trường tư không hạn chế đầu vào nên chất lượng HS chắc chắn không được như trường công lập. Trong khi đó, nhiều HS từ các tỉnh khác đến TP HCM học, xa gia đình, ở nội trú, không ít phụ huynh lại có tư tưởng khoán con em mình cho nhà trường nên tâm lý các em cũng có phần phức tạp hơn.
Ông Ngai cho rằng trong khi các trường THPT công lập, việc đánh giá xếp loại HS do giáo viên chủ nhiệm thực hiện thì các trường ngoài công lập chủ yếu do giáo viên quản nhiệm tiến hành, vì những giáo viên này mới là người quản lý, sâu sát các em nhất. Nhiều trường hợp, vì HS rất quậy nên hầu như giáo viên quản nhiệm phải theo sát 24/24 giờ, kể cả lúc ngồi học, vì những em này rất khó đưa được vào nền nếp.
Sai lầm khi bắt
học ngày, học đêm
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh cho biết nhiều phụ huynh có tư tưởng cho con em vào trường tư là để học cả ngày, cả đêm với quan niệm học nhiều thì không còn thời gian nghịch nữa. Tuy nhiên, đó là một quan điểm sai lầm.
Theo bà Vĩnh, HS dù ở độ tuổi nào cũng cần một thời gian học và vui chơi phù hợp. Nếu chỉ học mải miết, các em sẽ có tư tưởng “xõa” khi có điều kiện. Mức độ này còn nguy hiểm hơn với những HS học vừa phải. Vậy nên, các trường đang đẩy mạnh các hoạt động học mà chơi, học kết hợp ngoại khóa, chuyên đề.
Bình luận (0)