PGS-TS Nguyễn Sum, giảng viên Khoa Toán Trường ĐH Quy Nhơn - một trong hai nhà khoa học Việt Nam vừa được tạp chí uy tín Singapore Asian Scientist vinh danh trong tốp 100 nhà khoa học châu Á. Ông là tác giả công trình "Về bài toán hit của Peterson". Đây là công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tôpô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết "hit" do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đó cũng là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.
Nâng cao uy tín khoa học nước nhà
PGS-TS Nguyễn Sum cho biết ông rất vui khi nhận được thông tin này vì bản thân đã thực sự đóng góp một phần công sức vào việc nâng cao uy tín cho khoa học, công nghệ nước nhà và Trường ĐH Quy Nhơn. Sau khi công trình được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu về "bài toán hit của Peterson" trong trường hợp tổng quát tại một số dạng bậc khác và ứng dụng để tính toán tường minh cho một số trường hợp đối với đại số đa thức 5 biến. Các kết quả này đã được công bố chính thức trong 4 bài báo trên các tạp chí quốc tế (trong đó có 3 bài ISI) và đang gửi đăng 3 bài khác. "Tôi cũng rất vui vì hầu hết các kết quả của mình về bài toán hit của Peterson đã được trích dẫn và giới thiệu trong sách chuyên khảo "The Peterson hit problem" của 2 GS thuộc Đại học Manchester (Vương quốc Anh) và sách do Hội Toán học London xuất bản cuối năm 2017".
PGS-TS Sum tâm sự do mất 15 năm (1995 đến 2009) làm công tác quản lý (trưởng khoa toán, trưởng phòng đào tạo, phó hiệu trưởng) nên rất khó sắp xếp thời gian để nghiên cứu khoa học. Vì vậy, năm 2009 khi là quyền hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, PGS-TS Nguyễn Sum đã từ chối việc bổ nhiệm chính thức vào vị trí này. Ông kể thời gian dành cho nghiên cứu không nhiều và không liên tục, dẫn đến hậu quả số lượng công trình nghiên cứu công bố còn rất thấp, trong đó chủ yếu là một số công bố theo hướng nghiên cứu cũ từ hồi làm luận án tiến sĩ.
PGS-TS Nguyễn Sum chia sẻ thời gian đầu trở lại nghiên cứu, ông đã gặp nhiều khó khăn tiếp cận với nghiên cứu đỉnh cao. "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định xin nghỉ làm quản lý để dành thời gian nghiên cứu" - nhà khoa học tâm sự.
PGS-TS Nguyễn Sum đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định xin nghỉ làm quản lý để dành thời gian nghiên cứu
Không chạy theo số lượng công bố
PGS-TS Nguyễn Sum cho biết "Bài toán hit của Peterson" là bài toán mở, đồng thời rất cơ bản trong lĩnh vực tôpô đại số và không dễ dàng trao đổi với các chuyên gia khác vì là bài toán vô cùng khó. Vì vậy PGS-TS Nguyễn Sum phải tự nghiên cứu độc lập, kiên trì tháo gỡ để đạt kết quả tốt nhất. "Không thể mô tả được những khó khăn cụ thể trong việc nghiên cứu này" - ông Sum bộc bạch.
Ngoài ra, điều khiến PGS-TS Nguyễn Sum trở nên đặc biệt trong mắt đồng nghiệp là ông cẩn thận, không hề vội vàng khi công bố nghiên cứu. Ông thường lùi thời điểm công bố những bài chất lượng tốt để có thời gian, điều kiện hoàn thiện công trình. Qua quá trình khổ luyện, người thầy nhắn nhủ đến các nhà nghiên cứu trẻ muốn có công trình khoa học xuất sắc, cần có những đề tài nghiên cứu "dài hơi", không nên chạy theo số lượng công bố. Ông lấy ví dụ từ chính bản thân khi chấp nhận công bố ngay trên online bài báo về trường hợp "4 biến". Mặc dù công trình có thể công bố thành nhiều bài nhỏ trên các tạp chí ISI có chất lượng thấp hơn rồi chính thức xuất bản trên tạp chí Advances in Mathematics. Do đó, các công bố của ông thường được đồng nghiệp đánh giá rất cao về mặt chất lượng.
Cần chính sách đãi ngộ người tài
Theo PGS-TS Nguyễn Sum, khó khăn lớn nhất đối với người làm khoa học ở Việt Nam là còn thiếu các đề tài nghiên cứu độc lập, các nghiên cứu ở Việt Nam còn phụ thuộc vào nước ngoài rất lớn. "Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để khuyến khích những người giỏi học ở nước ngoài về nước làm việc, đóng góp thiết thực cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước" - ông Sum đề xuất. Mặt khác, theo ông, để thu hút người trẻ, người tài theo đuổi lĩnh vực này, nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng hơn cho họ.
Bình luận (0)