Tại hội nghị trao đổi về việc thực hiện tự chủ trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng tự chủ hoàn toàn ở bậc phổ thông là ước mơ của rất nhiều ngôi trường nhưng không dễ thực hiện.
Không dễ thoát "áo" ngân sách
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các cơ sở giáo dục trên địa bàn hiện nay có mức độ tự chủ khác nhau giữa các trường ngoại thành, nội thành, các trường đông hay ít học sinh (HS)... Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thành phố tạo điều kiện cho các trường chủ động trong các hoạt động giáo dục thông qua việc sử dụng nguồn kinh phí. Nguồn kinh phí này được cấp dựa trên định mức số HS trong trường chứ không theo cơ chế xin - cho. Sự tự chủ thể hiện ở chương trình giáo dục nhà trường, tự chủ về biên chế, tự chủ trong việc hợp đồng thêm các nhân sự cần thiết như bảo mẫu, giáo viên (GV) thỉnh giảng...
Nhiều ý kiến tại buổi trao đổi cho rằng các trường học thấy được quyền tự chủ trong nhà trường nhưng để không phụ thuộc vào "áo" ngân sách nhà nước là vô cùng khó. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1), thông tin hiện nay trường thực hiện tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên. Là một trường công lập, bản thân thấy được quyền tự chủ trong nhà trường nhưng nếu tự chủ về chương trình, chuyên môn thì được, còn tự chủ tài chính rất khó. Lý do, theo hiệu trưởng này, là tài chính của trường được cấp dựa theo số HS, dựa vào các khoản thu, trong khi HS khu vực nội thành không đông.
Trường Tiểu học -THCS - THPT Nam Sài Gòn là ngôi trường tự chủ tài chính tại TP HCM Ảnh: GIA THÙY
Thực tế từ một trường tự chủ hoàn toàn về tài chính, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn, bà Lê Thị Xuân Thương cho hay khi tự chủ tài chính hoàn toàn nghĩa là trường phải tự chủ hết các nguồn nhưng mức thu quy định tại trường đến nay hơn 20 năm không thay đổi. Dù có thỏa thuận với phụ huynh thu thêm một khoản bắt đầu từ năm học 2018-2019 nhưng trải qua các đợt dịch kéo dài, nguồn kinh phí dự phòng của trường không còn đủ chi. "Trường dựa vào số HS để thu nhưng khi trường hoạt động trở lại từ tháng 2, mới có 280 HS so với dự kiến tuyển sinh là 400-500 HS. Buộc lòng chúng tôi phải xây dựng lại quy chế chi tiêu nội bộ, cán bộ, GV nỗ lực rất nhiều để giữ chân HS, thu hút phụ huynh" - bà Thương nói.
Bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), bày tỏ nếu thực hiện được mô hình tự chủ sẽ là ước mơ của nhiều đơn vị giáo dục. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần phải tính toán như tài chính, con người, chuyên môn. "Nếu không có tài chính thì các yếu tố khác cũng thua vì con người giỏi thì phải có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút" - bà Phượng nói. Cũng theo bà Phượng, tất cả các trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến hiện nay tại TP HCM thực hiện mức thu là 1,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu này, thực hiện chất lượng cao thì rất khó. "Trường chất lượng cao phải thu hút người dân thực sự, ở nơi người dân có mức sống khá. Nếu tính không kỹ mà thực hiện liền sẽ đứt gãy. Thực tế nếu 1,5 triệu đồng mà choàng luôn khoản chi ngân sách thì rất khó. Trường mong muốn xã hội hóa để thực hiện trường chất lượng cao, trở thành trường mũi nhọn nhưng vẫn phải có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền" - bà Phượng cho biết.
Phát triển mô hình từ trường tiên tiến
Là mô hình trường tiên tiến, có nhiều điều kiện thuận lợi để tự chủ nhưng ông Nguyễn Long Giao, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), đặt vấn đề Bộ GD-ĐT đã có chủ trương, vấn đề là một mô hình phát triển thì phải làm sao để phát triển bền vững. "Đơn cử, nếu làm không xong, HS từ trường này hoàn toàn có quyền chạy qua trường khác" - vị này cho biết.
Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), đặt vấn đề là trong điều kiện trường tính toán tự chủ được về tài chính thì tuyển dụng như thế nào, có được tự chủ hay không? Với những GV cũ thì chuyển từ biên chế sang hợp đồng hay sao?
Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, mô hình trường tiên tiến là mô hình trường quá độ để triển khai tự chủ tài chính. Những trường này có mức đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khá tốt, được triển khai sau khi bảo đảm có đủ chỗ học cho con em trên địa bàn, đồng thời trải qua các quy trình phê duyệt. Người dân thấy được mức thu cao hơn nhưng có thể chấp nhận được để có chất lượng giáo dục tốt hơn. HS các trường được cam kết đầu ra chuẩn về ngoại ngữ, tin học.
"Thế nhưng, để thực hiện tự chủ, phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi. Thu đủ bù chi không phải chỉ chi cho hiện tại, mà phải chi đủ cho con người và tái đầu tư cơ sở vật chất. Đối với trường tự chủ, chúng ta vẫn thu học phí theo quy định của bộ là 9 tháng nhưng 9 tháng phải đủ chi trả cho 12 tháng vì 3 tháng hè trường vẫn phải nuôi người lao động và đặc biệt phải tái đầu tư" - ông Thanh nói.
PGS-TS Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng chủ trương chung của nhà nước sẽ trao quyền tự chủ cho một số trường nhưng quan trọng nhất vẫn là con người, yếu tố chuyên môn và cuối cùng phải tự chủ tài chính. "Việc tổ chức các mô hình giáo dục như thế nào để có thể tích hợp giáo dục có yếu tố chất lượng cao có điều kiện để thực hiện" - ông Hoàng cho biết.
Đánh giá chu kỳ tự chủ sau 5 năm
PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nêu thực tế ở Mỹ - trước nhu cầu đa dạng của người dân, nhiều cơ sở giáo dục cũng triển khai mô hình trường công lập tự chủ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, các bang và tiểu bang tại Mỹ ký hợp đồng để các trường cam kết với cơ quan quản lý về việc tiến hành đổi mới giáo dục với chương trình cụ thể và cam kết về đầu ra. Quá trình thực hiện sẽ đi cùng quá trình giải trình, sau chu kỳ 5 năm nếu có hiệu quả sẽ tiếp tục hoặc ngược lại sẽ giải thể.
Bình luận (0)