Ngày 4-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị tự chủ đại học (ĐH) năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 900 đại biểu.
Thu nhập giảng viên cải thiện
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, hệ thống giáo dục ĐH đã có bước tiến dài về lực, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa.
Hiện nay, đã có 142/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018). Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học.
Tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021. Về tài chính, đến thời điểm hiện tại, 32,76% trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Từ năm 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%, thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%. Năm 2018, tỉ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm chiếm 26,2% nhưng năm 2021 chỉ còn 12,7%. Tỉ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021. Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MINH TÚ
Muốn tự chủ nhưng sợ làm sai
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vì tự chủ ĐH là một cơ chế mới, phức tạp, cho nên trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn.
PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng do chưa xây dựng được một lộ trình tự chủ ĐH rõ ràng nên thiếu những định hướng cụ thể để tiếp tục triển khai tự chủ ĐH sau giai đoạn thí điểm; cơ chế thị trường để các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa được hoàn thiện. Việc triển khai tự chủ ĐH trong thời gian qua mới chỉ đề cập tới ở các trường ĐH công lập và hầu như chưa đề cập tới các trường ĐH tư thục.
Ông Bùi Anh Tuấn cũng nhấn mạnh thực tiễn cho thấy có nhiều xu hướng đối lập nhau trong quá trình tự chủ ĐH. Nhiều trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ, quen với cơ chế xin - cho, quen được cầm tay chỉ việc, "sợ" làm sai. Trong khi đó, cũng có trường lạm dụng, vượt ra khỏi thẩm quyền, làm sai, chưa thực hiện được trách nhiệm giải trình trước cộng đồng và xã hội.
Đại diện lãnh đạo ĐHQG Hà Nội cho rằng việc triển khai các điều kiện tự chủ theo Luật số 34 tại các đơn vị thành viên của ĐHQG Hà Nội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong triển khai mô hình hội đồng các trường ĐH thành viên, việc phân định mức độ tự chủ của các trường ĐH thành viên trong bức tranh tự chủ chung của ĐHQG Hà Nội. Cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý, lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao cũng còn hạn chế, bất cập. Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQG Hà Nội vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường ĐH FPT, kiến nghị cần có quy định kịp thời về tự chủ của các trường ĐH trong "thu hút vốn đầu tư", trong đó có việc vay, bảo lãnh, trả nợ của trường công. Cũng cần mở rộng cơ chế tín dụng sinh viên, lấy tương lai đầu tư cho hiện tại. Gỡ bỏ các quy định bất cập về hành lang cho việc tự chủ, mở rộng quyền tự chủ giáo dục ĐH liên quan đến sử dụng giảng viên, cán bộ nghiên cứu là người nước ngoài và việc công nhận văn bằng do ĐH nước ngoài cấp.
Con đường "không chỉ có hoa hồng"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quá trình thực hiện tự chủ ĐH là một chặng đường đổi mới rất dài, "không chỉ có hoa hồng" mà còn nhiều chông gai, gian khổ, phía trước còn nhiều khó khăn. Đây là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức đến thống nhất hành động, đã được đưa vào các nghị quyết của trung ương, văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục vừa làm vừa tổng kết, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thí điểm.
Phó Thủ tướng nêu rõ quá trình tự chủ ĐH không chỉ đúng về lý thuyết mà kết quả thực tiễn tốt hơn. Không vì một số điểm còn chưa tốt, chưa phù hợp, còn tâm tư mà quay lại bàn về chủ trương, đặt lại sự cần thiết của tự chủ ĐH. Đây là lúc cần thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được sau thời gian thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta đã đi đúng, làm tốt nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực". Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh một số nguyên tắc, nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ ĐH trong thời gian tới. Đó là tự chủ, tự quản không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước. Các trường ĐH tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình.
Nhìn vào những nguyên nhân những trường ĐH chưa thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các trường. Bộ GD-ĐT phải rà soát, không để công tác kiểm định là nút thắt trong thực hiện tự chủ ĐH. Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT làm việc với các bộ cấp trên trực tiếp của một số trường ĐH để làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cho những trường: Chưa thành lập hội đồng trường và các cơ cấu theo quy định của pháp luật; chủ tịch hội đồng trường chưa là bí thư Đảng ủy; chưa có quỹ để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách, tập trung giải quyết dứt điểm một số trường chuyển từ dân lập sang tư thục... Đồng thời, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị đổi mới về nhân sự trong bộ máy tổ chức trường ĐH để phát huy tối đa kinh nghiệm của những cán bộ lãnh đạo đã quá tuổi tham gia vào các cơ chế hội đồng.
"Tự chủ ĐH như đường một chiều không quay lại được. Con đường này còn rất dài, rất khó, có nhiều điều mới chưa lường trước được nhưng chúng ta phải cùng nhau vượt lên khó khăn, vượt qua chính mình, sẵn sàng thích ứng" - Phó Thủ tướng gửi gắm.
ĐHQG Hà Nội muốn được tự chủ cao hơn
ĐHQG Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định và quy chế mới về ĐHQG, trong đó cần trao các quyền tự chủ cao hơn nữa cho ĐHQG. Cụ thể, trường này đề xuất được ban hành quy chế đào tạo riêng về các trình độ của giáo dục ĐH áp dụng trong phạm vi ĐHQG phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng đề án và thực hiện các phương thức tuyển sinh riêng, quyết định mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, chưa có trong Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai các mô hình đào tạo mới, đặc thù hoặc đã được triển khai, áp dụng thành công tại cơ sở giáo dục ĐH uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, được ban hành quy định riêng về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên áp dụng trong ĐHQG nhằm thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế. Được tổ chức xét và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với cán bộ khoa học cơ hữu hoặc thỉnh giảng của ĐHQG, báo cáo Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước kết quả thực hiện. Giám đốc ĐHQG quy định cụ thể trình tự thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư ĐHQG. Quyết định giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý và hội nhập quốc tế...
Bình luận (0)