Mái đầu đã bạc trắng nhưng nhà giáo Phạm Toàn vẫn đầy tâm huyết với ước vọng xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đào tạo những con người tự chủ, có năng lực, tự chịu trách nhiệm nhưng không phải là những cỗ máy mà phải có tâm hồn phong phú. Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng nhà trường không phải dạy trẻ em mà tổ chức để trẻ em từ tư duy tiền khoa học tiến tới tư duy khoa học, dựa trên sự tôn trọng và đồng hành cùng trẻ.
Từ các nội dung này, nhóm Cánh Buồm chia giai đoạn 10 năm cho bậc phổ thông cơ sở, 4 năm đầu là học bằng cảm xúc, 5 năm sau học bằng nhận thức và năm cuối học bằng lý thuyết. Ví dụ môn lịch sử 4 năm đầu giúp trẻ biết yêu thích lịch sử, 5 năm sau qua các sự kiện, giúp trẻ phát huy óc phán đoán, tư duy độc lập, năm cuối học sinh mới phải lý giải các khái niệm lịch sử. Theo nhà giáo Phạm Toàn, bậc phổ thông cơ sở chủ yếu giúp học sinh học phương pháp chứ không phải kiến thức.
Một phương pháp học nhẹ nhàng, tự nhiên, dễ hiểu, phát huy khả năng tư duy của trẻ, không nhồi nhét, không “cặp nặng trĩu vai” chính là ước vọng về một nền giáo dục hiện đại của nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm. Chưa biết bộ sách giáo khoa đặc biệt này sẽ được đón nhận đến đâu, nhưng các chuyên gia, giảng viên tham dự buổi trò chuyện với nhà giáo Phạm Toàn đều cảm phục trước tâm huyết của một nhà giáo ở tuổi thất thập vẫn đau đáu muốn cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.
Bình luận (0)