Dù phần thi Khởi động chỉ đạt điểm số thấp nhất - 10 điểm nhưng Lê Xuân Mạnh đã xuất sắc bứt phá, giành được số điểm cao nhất - 220 điểm ở phần thi Về đích.
Gay cấn, kịch tính
Đến tận lúc kết thúc vòng thi thứ 3 - Tăng tốc, Lê Xuân Mạnh vẫn xếp thứ 3 với 100 điểm. Không còn gì để mất ở vòng thi Về đích, Mạnh chọn gói câu hỏi 3 câu 30 điểm. Câu đầu tiên, Mạnh có đáp án đúng, câu thứ 2 trả lời sai. Câu thứ 3, Mạnh chọn ngôi sao hy vọng và giành được 60 điểm. Tổng điểm của Mạnh lúc này là 190.
Ở phần thi của mình, Nguyễn Minh Triết (Thừa Thiên - Huế) trả lời đúng ở câu đầu tiên. Câu thứ 2, em không đưa ra đáp án đúng, Mạnh nhấn chuông và có câu trả lời chính xác, giành thêm được 30 điểm, vượt qua Nguyễn Trọng Thành (Hải Phòng) với 220 điểm.
Lê Xuân Mạnh và các thí sinh dự thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia nhận giải thưởng. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Chia sẻ về bí quyết chiến thắng của mình, Lê Xuân Mạnh cho hay ở những vòng thi đầu, em chưa có cảm giác chiến thắng mà chỉ là cố gắng tích dần điểm số. Nhà vô địch cho hay câu thứ 3 ở phần Về đích là câu hỏi "nghẹt thở". Nhà leo núi đổi đáp án ở câu cuối cùng, đó là điều cực kỳ quan trọng vì đã giúp em giành được 60 điểm quý báu.
Lê Xuân Mạnh cho rằng chiến thắng tại cuộc thi có cả yếu tố kiến thức và may mắn. Ở trận đấu này, em đã có cả 2 yếu tố đó. Nhìn lại hành trình trở thành nhà vô địch, Mạnh cho hay may mắn đã theo em từ chặng đầu tiên đến trận đấu cuối cùng.
Thể hiện rõ bản lĩnh
Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2023 là học sinh giỏi của Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa). Cậu học trò xứ Thanh là thủ khoa khối B trong kỳ thi chọn khối của trường.
Trước đó, Lê Xuân Mạnh từng giành cú đúp giải nhì môn hóa học và sinh học cấp trường năm lớp 11. Ngoài học tập, nam sinh này rất yêu thích bóng đá và có thể chơi được ở tất cả vị trí.
Bà Vũ Thị Hường, mẹ Lê Xuân Mạnh, cho biết từ nhỏ, em đã sớm bộc lộ tố chất khác biệt, như biết đọc, biết làm toán. Hiện nay, Lê Xuân Mạnh còn là cố vấn Câu lạc bộ Lịch sử của trường.
Lê Xuân Mạnh tiết lộ bí quyết để học tập hiệu quả là phải tự giác học. Trên lớp phải chú ý nghe thầy cô giảng bài để nắm kiến thức; ở nhà thì lên mạng tìm kiếm thông tin, đọc thêm tài liệu từ sách và internet.
Việc tự học, tự tìm hiểu giúp Lê Xuân Mạnh khắc sâu, ghi nhớ kiến thức. Ngoài ra, em còn tìm thêm các đầu sách nâng cao để học. Nhờ thói quen đọc sách từ nhỏ mà nhiều kiến thức Mạnh thuộc lúc nào không hay.
Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng Lê Ánh Dương nhận xét học trò của mình là người có khả năng tự học, tự nghiên cứu rất tốt. Bản thân Lê Xuân Mạnh cũng thể hiện rõ bản lĩnh trong các cuộc thi. Các thầy cô luôn nhìn thấy ở em sự quyết đoán và động cơ phấn đấu rõ ràng.
Trong khi đó, thầy Dương Văn Hạnh, giáo viên dạy toán và là chủ nhiệm lớp của Lê Xuân Mạnh, đánh giá em là người rất có ý thức học hỏi. Mạnh đang trong đội tuyển toán nhưng thầy giáo "luôn có cảm giác em học chuyên môn nào cũng được" vì học đều, khả năng ghi nhớ và nền tảng kiến thức tốt, thái độ nghiêm túc. Mạnh cũng năng nổ trong các hoạt động của Đoàn trường, nhiệt tình với bạn bè. Em cân bằng tốt giữa việc học và giải trí, vui chơi.
Từ khi lên lớp 5, Lê Xuân Mạnh đã chia sẻ với mẹ về ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia, em cho hay chưa có dự định cho tương lai và sẽ nghĩ về điều đó sau.
Vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2023 đã khép lại với vòng nguyệt quế kèm giải thưởng cao nhất trị giá 50.000 USD thuộc về Lê Xuân Mạnh, học sinh Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa).
Giải nhì trị giá 200 triệu đồng thuộc về Nguyễn Trọng Thành, Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng). Hai giải ba trị giá 100 triệu đồng/giải thuộc về Nguyễn Minh Triết, Trường THPT chuyên Quốc học Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Nguyễn Việt Thành, Trường THPT Sóc Sơn (TP Hà Nội).
Bình luận (0)