Tại Trường ĐH Mở TP HCM, thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ sẽ xác nhận trên hệ thống online sau đó gửi hồ sơ gốc về trường, đồng thời làm các thủ tục trúng tuyển và nhập học khác. Theo quy định, thời gian kết thúc nhận hồ sơ là ngày 20-8. Đã có 2.000 thí sinh (đạt gần 100% thí sinh trúng tuyển học bạ) hoàn tất các thủ tục nhập học. GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết phương thức xét tuyển học bạ được trường áp dụng từ năm 2019. Sau 2 năm, tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức này tăng lên, năm đầu khoảng trên 35%, năm 2020 khoảng 45% và năm nay chắc chắn hơn 50%.
Tuyển sinh bằng học bạ: Chất lượng khó đồng đều (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng áp dụng phương thức xét tuyển học bạ từ năm 2019. TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo của trường, cho biết qua từng năm, tỉ lệ nhập học đều tăng. Tại thời điểm này, 50% (tương ứng khoảng hơn 2.000) thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển đã hoàn tất thủ tục nhập học, tỉ lệ này sẽ tăng cho đến khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, có 1.500 thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - truyền thông của trường, cho biết trường bắt đầu mở hệ thống cho thí sinh xác nhận nhập học online từ ngày 4 đến 25-8; đến nay đã có hơn 500 thí sinh xác nhận nhập học, nộp học phí. Dự kiến từ nay đến khi hết hạn xác nhận nhập học, số lượng sẽ tăng. Những năm trước, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ xác nhận nhập học chỉ khoảng 25%-30%, năm nay tỉ lệ chắc chắn sẽ tăng.
Ở một số trường ĐH khác, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học lại chưa nhiều, nguyên nhân là nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nên việc chuyển hồ sơ xác nhận nhập học qua bưu điện gặp khó khăn. Đại diện các trường ĐH cho biết phương thức xét tuyển học bạ không ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh. Vấn đề là thí sinh trúng tuyển phương thức này đã chọn đúng ngành phù hợp, đúng trường mong đợi chưa hay đang ngóng trông cơ hội từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Hằng năm, các trường ĐH đều có đánh giá về chất lượng sinh viên qua các phương thức xét tuyển để làm cơ sở xây dựng đề án tuyển sinh, phân bổ chỉ tiêu cho từng ngành. TS Nguyễn Trung Nhân cho biết kết quả phân tích cho thấy chất lượng sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhỉnh hơn và đều hơn phương thức xét học bạ nhưng sự chênh lệch đó là không nhiều.
Tại Trường ĐH Mở TP HCM, chất lượng sinh viên của phương thức xét học bạ so với sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT lại không đồng đều ở các ngành. Ở một số ngành như kế toán, kiểm toán, xã hội học, công tác xã hội thì kết quả học tập qua 4 học kỳ qua của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ có phần nổi trội hơn so với đối tượng trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; ở các ngành khác thì chất lượng sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lại nhỉnh hơn.
GS Nguyễn Minh Hà cho rằng với những thí sinh đã xác định ngành nghề rõ ràng thì khi trúng tuyển học bạ là các em nhập học và chuyên tâm rèn luyện nên chất lượng tốt. Tuy vậy, nhìn chung thì chất lượng thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đều hơn xét học bạ. Bởi lẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT là bộ lọc chung cho tất cả thí sinh, trong khi điểm học bạ không có điểm chung. Trường nào, giáo viên nào khắt khe với học sinh thì điểm học bạ không cao; ngược lại, giáo viên "thương" học sinh thì điểm học bạ sẽ cao. Vậy nên, điểm học bạ chưa phản ánh đúng chất lượng người học.
Ông Hà cho rằng để kết quả học bạ phản ánh đúng chất lượng dạy học, Bộ GD-ĐT trên cơ sở dữ liệu điểm thi nhiều năm cần xếp hạng các trường THPT thành nhiều nhóm, khi đó các trường THPT sẽ ganh đua để thăng hạng, giữ hạng thì sẽ cho ra kết quả học thật, dạy thật.
Bình luận (0)