Nhiều quốc gia trên thế giới không quan trọng hóa đầu vào ĐH mà chỉ chú trọng đầu ra nhưng ta thì ngược lại. Trong khi đầu vào được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấp kín bằng những mạng lưới quy chế dày đặc thì khi ra trường lại phó mặc cho nhà trường.
Tại sao chúng ta không thực hiện như nhiều nước, điển hình là Mỹ hoặc Singapore? Tại Mỹ, một học sinh từ tiểu học đến hết trung học không có điểm rớt môn nào thì được nhận chứng chỉ tốt nghiệp bậc phổ thông. Sau đó, học sinh này ôn tập để thi lấy chứng chỉ SAT (đủ trình độ vào ĐH) và dùng nó để nộp cùng một lúc cho nhiều trường ĐH vào những ngành mình muốn theo đuổi. Sau khi nhận hồ sơ, nếu học lực của học sinh đạt tiêu chuẩn, trường sẽ gửi thư thông báo trúng tuyển trong vòng 2 tuần. Sau đó, nếu không vào được bất cứ trường nào, học sinh sẽ ôn tập tiếp để thi lại và nộp hồ sơ dự tuyển vào đợt sau.
Có thể thấy, để việc tuyển sinh diễn ra đơn giản, nhanh chóng như trên chủ yếu là nhờ Bộ Giáo dục Mỹ không quản lý từ cây kim, sợi chỉ đến từng trường. Nếu chúng ta học tập theo mô hình này, việc thi SAT sẽ được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GĐ-ĐT đồng loạt tổ chức tại các vùng trong nước sao cho học sinh thuận tiện nhất. Đây là thi trắc nghiệm năng lực sẵn sàng học ĐH, CĐ chứ không phải lấy bằng cấp nhằm giảm căng thẳng cho toàn xã hội.
Về đợt xét tuyển vừa qua, đến lúc này, hẳn Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng phải thấy rằng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 gần như thất bại hoàn toàn. Tôi tin rằng nếu Bộ GD-ĐT không khư khư giữ quy chế tuyển sinh kiểu kéo dài suốt 3 tháng (từ ngày 1-8 đến 15-11 cho 5 đợt tuyển sinh) thì chúng ta có thể khai trường sớm, không lãng phí thời gian của sinh viên.
Vào thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta còn cứu vãn được tình hình. Để nhân dân không ta thán nữa, Bộ GD-ĐT không nên kéo dài thời gian đến cuối tháng 10 mới chấm dứt tuyển sinh. Trái lại, nên cho phép đợt tới cũng là đợt chót, thí sinh có thể dùng kết quả thi THPT quốc gia để nộp đơn xin học đúng ngành mình tại trường ĐH nào có dạy ngành ấy. Thí sinh có thể nộp ở 4 trường hoặc hơn nữa cũng không sao. Bộ sẽ ấn định ngày các trường đồng loạt gửi kết quả trúng tuyển hoặc không trúng tuyển đến tất cả thí sinh cũng như ngày khai trường đồng loạt. Đến ngày ấy, thí sinh nào không đến trường A làm thủ tục nhập học thì coi như đã đến nhập học ở trường B hoặc C rồi. Khi đó, trường A sẽ gọi thí sinh kế tiếp trong danh sách xét tuyển đến nhập học.
Đó là phương án cứu vãn cho năm nay. Năm 2016 trở đi, có thể mỗi năm sẽ tuyển sinh theo từng học kỳ. Trước đó, thí sinh nào đã có chứng chỉ tốt nghiệp giáo dục phổ thông sẽ thi lấy chứng chỉ năng lực vào ĐH, CĐ tại cụm thi gần nhà mình nhất rồi sẽ nộp đơn cho nhiều trường xin học đúng ngành nghề mơ ước, như cách tuyển sinh mà Mỹ và Singapore đang áp dụng.
Đảng đã đề ra nghị quyết “đổi mới giáo dục một cách cơ bản và toàn diện”. Để đạt được mục tiêu này, với riêng tuyển sinh ĐH, CĐ, hãy theo chủ trương thoải mái đầu vào nhưng nghiêm túc giữ đúng chuẩn đầu ra mới mong đào tạo người tài cho xã hội. Nếu cứ theo vết cũ mà xoay qua xoay lại rồi gọi là đổi mới thì không biết chừng nào nền giáo dục Việt Nam mới bắt kịp thế giới.
Bình luận (0)