Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới quan trọng.
Chỉ tiêu xác định trên tỉ lệ sinh viên có việc làm
Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT cho hay theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo từng năm và độc lập theo từng trình độ đào tạo. Căn cứ chỉ tiêu đã xác định theo từng trình độ, cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định theo ngành/nhóm ngành trong đề án và kế hoạch tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý trực tiếp.
Từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng nhiều quy định mới trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học
Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh của năm trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Với quy định này, từ mùa tuyển sinh năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực (đối với ĐH) hoặc theo từng ngành (đối với thạc sĩ, tiến sĩ) không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề nếu cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian thực hiện kiểm định nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành. Chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề nếu tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%.
Cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tăng tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng
Liên quan quy định về giảng viên trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thông tư của Bộ GD-ĐT cho phép xác định giảng viên toàn thời gian bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho hay thực hiện chủ trương đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, gắn kết với doanh nghiệp, khuyến khích mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý... am hiểu về chuyên môn tham gia quá trình đào tạo, thực hành, thực tập, thông tư mới quy định các trường được tăng tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ 5% lên 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo theo lĩnh vực trình độ ĐH/ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (trừ các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật và các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH). Đồng thời, cho phép xác định giảng viên thỉnh giảng tham gia trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Về cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH (trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên) được xác định theo 23 lĩnh vực đào tạo thay thế quy định việc xác định chỉ tiêu theo 7 khối ngành trước đây. Quy định mới này hướng tới việc nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo gắn với năng lực chuyên môn trong phạm hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ.
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH vừa làm vừa học đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo được xác định tối đa không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo (theo từng ngành đào tạo đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên) trình độ ĐH của cơ sở đào tạo (quy định trước là 30%).
Mở ngành mới phải đủ giảng viên, cơ sở vật chất
Liên quan các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT cho biết đối với mở ngành trình độ ĐH, bộ yêu cầu các trường phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo tối thiểu đầy đủ cho 2 năm học đầu. Các trường phải có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học; từ năm học thứ 3 phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học và khóa học.
Đối với lĩnh vực sức khỏe, pháp luật và nhóm ngành đào tạo giáo viên, yêu cầu các trường phải có đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
Bình luận (0)