Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 mà Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện, dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2016 tiếp tục tổ chức thi 8 môn trong 4 ngày như năm 2015. Thời gian thi từ ngày 1 đến 4-7.
Thi 8 môn trong 4 ngày
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã tính đến phương án thi 3 ngày; trong đó, toán, ngữ văn, ngoại ngữ và vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn sinh - lịch sử và hóa học - địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Tuy nhiên, sau khi đã cân nhắc kỹ, Bộ GD-ĐT cho rằng phương án thi 3 ngày tuy rút ngắn được 1 ngày so với năm 2015 nhưng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một số thí sinh vì không thể chọn đồng thời các môn cùng cặp.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong quá trình tổ chức các hội nghị để xin ý kiến đóng góp cho dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, nhiều ý kiến đề xuất đẩy thời gian thi tốt nghiệp THPT quốc gia lên sớm hơn vì thi vào tháng 7 nắng nóng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT dự kiến giữ nguyên ngày thi. Theo số liệu thống kê về nhiệt độ trong 4 ngày (từ 1 đến 4-7) của 4 năm gần đây thì chỉ có năm 2015 là cao đột biến và là tháng nóng nhất trong suốt 200 năm qua. Mặt khác, những năm trước đây, đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm đều tổ chức từ ngày 3 đến 5-7. Thêm vào đó, đầu tháng 7 là thời gian các trường ĐH, CĐ đã kết thúc năm học nên sẽ thuận lợi cho việc điều động cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia kỳ thi, việc bố trí giảng đường, ký túc xá phục vụ thí sinh và người nhà lưu trú trong những ngày thi cũng thuận lợi hơn. Tổ chức thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 cũng sẽ giúp các trường ĐH, các sở GD-ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi.
Tăng tối đa quyền tự chủ xét tuyển
Mùa tuyển sinh năm 2016, các trường ĐH, CĐ khối năng khiếu, nghệ thuật sẽ chủ động xây dựng, công bố đề án tự chủ tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ này.
Đối với các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, Bộ GD-ĐT cung cấp kết quả thi THPT quốc gia cho các trường, đồng thời quy định thời gian bắt đầu và kết thúc kỳ tuyển sinh. Các trường tự xây dựng và công bố phương án xét tuyển, bao gồm tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển, số lượng ngành, nhóm ngành thí sinh có thể đăng ký trong trường; ngưỡng đăng ký xét tuyển (ĐKXT)...; các phương thức nhận ĐKXT như nhận ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc tại trường phổ thông do Sở GD-ĐT quy định; các trường có thể quy định thêm phương thức nhận ĐKXT khác, bảo đảm thuận lợi, không gây bức xúc cho thí sinh.
Bộ cũng yêu cầu các trường phải công khai kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường, báo cáo kết quả tuyển sinh về Bộ GD-ĐT sau khi kết thúc tuyển sinh. Dự kiến, các thí sinh ĐKXT bằng cách nộp phiếu ĐKXT theo phương thức do trường quy định. Điều đặc biệt là năm nay, thí sinh có thể ĐKXT vào nhiều trường nhưng không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT; thí sinh nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi theo quy định của trường nhập học.
Bộ GD-ĐT cho rằng theo phương án này, các trường sẽ hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh, có thể đưa ra quy định phù hợp với đặc thù xét tuyển của trường mình, có thể chủ động liên kết với nhau thành từng nhóm để xét tuyển chung, thí sinh có thể ĐKXT một ngành ở nhiều trường khác nhau.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 12-2015, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi muộn nhất là trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2016.
Vẫn giữ 2 loại cụm thi
Liên quan đến vấn đề được nhiều địa phương và thí sinh quan tâm là cụm thi, Bộ GD-ĐT cho hay dự kiến tiếp tục giữ nguyên 2 loại cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015. Tuy nhiên, việc tổ chức các cụm thi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp thực tế như thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các địa phương được lựa chọn cụm thi theo đề nghị của sở GD-ĐT. Bộ căn cứ điều kiện thực tế để xem xét điều chỉnh luân phiên trường ĐH chủ trì cụm thi liên tỉnh.
Bình luận (0)