Tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, kỳ tuyển sinh hệ liên thông vừa qua dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường chỉ nhận được 48 hồ sơ trong tổng số 350 chỉ tiêu. “Trong khi đó, 2 năm trước, lượng thí sinh (TS) thi liên thông lên hệ ĐH chính quy khá đông, điểm chuẩn tới 18,75-20, với 200-300 chỉ tiêu” - đại diện nhà trường cho biết.
Ngày càng khó tuyển
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM tuyển sinh liên thông ĐH hệ chính quy mỗi năm khoảng 400 chỉ tiêu, hệ vừa làm vừa học 200-300 chỉ tiêu. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho biết trường có 2 đợt thi liên thông: đợt 1 vào đầu tháng 6 hệ vừa làm vừa học, đợt 2 thi liên thông ĐH chính quy vào cuối tháng 10. Theo ông Sơn, trước năm 2010, số TS thi liên thông ở trường khá đông. “Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều ngành rất khó tuyển như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin... Các ngành này được 50% chỉ tiêu là tốt lắm rồi” - ông Sơn nói.
Thí sinh nộp hồ sơ thi liên thông tại một trường ĐH ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết năm học 2015-2016, trường tuyển sinh liên thông lên ĐH hệ vừa làm vừa học được 1.200 chỉ tiêu/2.000 chỉ tiêu. “Thật ra, chúng tôi được phép tuyển hơn thế nhưng sau khi tính toán nhu cầu ở hệ này, trường đã chỉ quy định 2.000 chỉ tiêu” - ông Đức Minh nêu.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, trong đợt tuyển sinh liên thông đang diễn ra nhận được 3.800 hồ sơ dự thi, trong khi dự kiến chỉ lấy 800-900 hồ sơ. Tuy nhiên, đa số TS chọn kỳ thi do trường tổ chức, ra đề. “Đa số TS chọn kỳ thi do trường ra đề. Hai năm trước, có quy chế cho TS dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển nhưng số lượng rất ít, chỉ vài em trúng tuyển” - ông Nguyễn Ngọc Thái, chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, thông tin.
Vì đâu ế ẩm?
Giải thích nguyên nhân tuyển sinh liên thông, đặc biệt hệ tại chức, vừa làm vừa học, những năm gần đây ế ẩm, các chuyên gia đào tạo cho rằng có nhiều nguyên nhân, từ sinh viên, trường học đến xã hội. Ông Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, phân tích do tâm lý nhu cầu xã hội không đánh giá cao tấm bằng này khiến sinh viên ra trường khó xin việc. Về việc quá ít TS liên thông chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ông Sĩ cho rằng do TS đã học CĐ nhiều năm, phần nào quên kiến thức phổ thông, sẽ không chọn con đường khó này. “Mỗi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều thay đổi cách thức thi, TS lớp 12 còn theo dõi không kịp huống gì sinh viên CĐ” - ông Sĩ nói.
Ông Phạm Thái Sơn cho rằng sau khi ra đời Thông tư 55 quy định về liên thông CĐ-ĐH, việc liên thông của một số TS từ CĐ lên ĐH bị gián đoạn. Lúc đó, các em học CĐ buộc phải bỏ ý định học liên thông và đi làm, sau một thời gian cảm thấy việc làm thợ như vậy là ổn, đặc biệt các ngành như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, rất ít người có nhu cầu liên thông, trừ khi cần nâng cấp để lên quản lý. Còn các ngành khối kinh tế - xã hội do có nhiều trường CĐ đào tạo nên nguồn TS liên thông đông đúc.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cũng phân tích những năm gần đây, nhu cầu học liên thông giảm sút là do thời gian trước, việc vào ĐH rất khó khăn do ít trường ĐH. Vì vậy, rất nhiều em chọn học trung cấp, CĐ nhưng vẫn không từ bỏ giấc mơ vào ĐH nên chọn cách thi liên thông. Gần đây, số lượng trường ĐH tăng lên, TS chỉ cần đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đã có thể vào ĐH. Nhu cầu liên thông giảm xuống một cách tự nhiên. Theo ông Hà, hiện nay, việc đào tạo liên thông các ngành khối kinh tế “hot” hơn so với các ngành kỹ thuật. “Do các trường CĐ thuộc khối ngành kinh tế nên nguồn tuyển ở khối này phong phú. Chúng tôi từng mở các ngành về công nghệ, xây dựng nhưng lượng hồ sơ ít hơn” - ông Hà nói.
Cần am hiểu về nguồn tuyển
Trường ĐH Sài Gòn đang tuyển liên thông 2 ngành là giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non. Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo trường, cho biết sau 2 năm trường tuyển các ngành này hệ vừa học vừa làm, nay chuyển sang hệ chính quy. Theo ông Sơn, nhờ tuyển 2-3 năm/lần nên nguồn tuyển thường chất lượng và phong phú hơn.
“Nếu năm nào cũng mở, nguồn tuyển sẽ không đáp ứng” - ông Sơn nói. Theo đó, tại Trường ĐH Sài Gòn, số lượng TS thi liên thông ở một số ngành như giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học luôn đều đặn và đông hơn các ngành khác như địa lý, sinh học... Do đó, khi mở lớp liên thông cần am hiểu về nguồn tuyển sinh chính từ các trường, tỉ lệ khả năng sinh viên về lại trường là bao nhiêu. Nếu không đủ TS mở lớp, chúng tôi trả tiền lại để các em nộp hồ sơ những đợt sau” - ông Sơn nếu.
Bình luận (0)