Dù chủ trương không phát triển thêm trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS nhưng trước áp lực học sinh (HS) giỏi ở bậc tiểu học quá lớn, nhiều trường THCS "điểm" tại TP HCM muốn có một phương thức tuyển sinh mới, thay vì xét các yếu tố ưu tiên như mọi năm.
Học sinh quá nhiều, chỉ tiêu quá ít
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức, tại TP HCM, chỉ duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - với đặc thù trường chuyên - được tổ chức tuyển sinh bằng bài kiểm tra đánh giá năng lực, cụ thể là bài khảo sát bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, một số quận - huyện vẫn có những trường "điểm" khiến nhiều phụ huynh và HS ước ao.
Chẳng hạn, quận 1 có Trường THCS Nguyễn Du và Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 7 có Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 10 có Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 4 có Trường THCS Vân Đồn… Đặc thù của những trường này trong tuyển sinh hằng năm là ngoài việc bảo đảm HS đúng tuyến có chỗ học thì sẽ dành một số chỉ tiêu cho HS ngoài tuyến với điều kiện đáp ứng những tiêu chí do hội đồng tuyển sinh của quận - huyện đó quy định.
Học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Thế nhưng, việc tuyển sinh số ngoài tuyến này luôn là bài toán khó với các trường hằng năm, lý do là số HS đủ điều kiện quá nhiều mà chỉ tiêu lại ít. Tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 là 50-50 (50% trong tuyến, 50% ngoài tuyến). Thế nhưng, trước áp lực HS tăng mạnh, từ năm học 2017-2018, số HS ngoài tuyến được vào trường này chỉ còn lại 3% (tương đương 77 em).
Theo hiệu trưởng một trường THCS, hầu như HS tiểu học nào cũng đạt 20 điểm 2 môn toán và tiếng Việt, buộc các trường phải xét thêm tiêu chí phụ nhưng rất nhiều em cũng đáp ứng được. Vì thế, để chọn được HS thật sự chất lượng vào trường rất khó nếu không có một bài kiểm tra ngắn gọn, công bằng và đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng của các em.
Công bằng với học sinh
Ông Đặng Nguyễn Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, cho biết 3% HS ngoài tuyến của năm học trước là do các trường tiểu học tự đề xuất, sau đó hội đồng tuyển sinh của quận quyết định. Dù hình thức, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm như thế nào là chủ trương của ngành nhưng trường vẫn muốn được tuyển sinh bằng bài khảo sát đánh giá năng lực. Làm như vậy sẽ dễ dàng và công bằng với tất cả HS.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng rất khó làm được điều này vì TP HCM gặp áp lực lớn nhất là dân nhập cư. "Phải có những trường THCS lân cận để tiếp nhận HS trong địa bàn không đủ điều kiện vào trường "điểm". Trong khi đó, trường lớp hiện nay rõ ràng không theo kịp tốc độ tăng dân số, nếu thi tuyển để chọn HS chất lượng cho trường mình mà dồn áp lực sang các trường khác là không ổn" - ông Thịnh băn khoăn.
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THCS tại quận 10 cho rằng trong thực tế, trường "điểm" nào cũng muốn tổ chức thi tuyển hoặc thực hiện bài khảo sát để chọn ra những HS ưu tú. Bởi lẽ, các trường này còn gánh thêm nhiệm vụ đào tạo nguồn HS giỏi cho TP HCM, dù TP không chủ trương phát triển thêm trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS.
Như thế, kế hoạch tuyển sinh của nhiều trường buộc phải phá vỡ vì áp lực HS tăng dần qua các năm. Ông Đặng Nguyễn Thịnh cho biết theo thông tin từ lãnh đạo quận 7, năm học tới, áp lực tuyển sinh lớp 1, lớp 6 tiếp tục căng thẳng. Dự kiến năm học 2018-2019, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ chỉ tuyển được khoảng 430 HS vào lớp 6, còn chính thức thế nào phải chờ lãnh đạo quận phê duyệt.
Hướng đến tự chủ tài chính
Theo hiệu trưởng một trường THCS, giải pháp xin tự chủ tài chính đang được nhiều trường hướng đến cũng là cách giảm áp lực tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Khi tiến hành tự chủ tài chính sẽ có những điều kiện đi kèm. Chẳng hạn, dù đúng địa bàn tuyển sinh nhưng nếu phụ huynh chấp nhận mức học phí mới thì con họ mới được vào học.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học tới, Trường THCS Nguyễn Du sẽ thực hiện tự chủ tài chính, đồng nghĩa với kế hoạch tuyển sinh sẽ thay đổi.
Bình luận (0)