Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đã có ít nhất 4 trường đại học tư thục - gồm: Văn Lang, Võ Trường Toản, Tân Tạo và Duy Tân - dùng điểm môn ngữ văn xét tuyển vào ngành y.
Phải có căn cứ khoa học
Theo truyền thống, ngành y thường chỉ tuyển sinh tổ hợp B00 (toán - hóa - sinh), ngành dược tuyển toán - hóa - sinh hoặc toán - lý - hóa. Việc một số trường đại học năm nay mở rộng khối xét tuyển ngành y không có môn sinh học hoặc không có môn hóa học, thay bằng môn ngữ văn dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.
GS-TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết các môn quan trọng để làm căn cứ tuyển sinh ngành y là toán, hóa, sinh. Đào tạo y khoa là vấn đề quan trọng. Vì thế, bất kỳ sự thay đổi nào trong phương án tuyển sinh cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động. Nếu đưa môn văn vào xét tuyển thì phải có sự đánh giá của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học ngành y.
"Nếu cần có sự đổi mới trong xét tuyển đầu vào thì phải dựa trên căn cứ khoa học" - GS-TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng việc xét tuyển ngành y bằng tổ hợp có môn ngữ văn là điều đáng lo ngại. TS Phương nhận xét y khoa là ngành học quan trọng, liên quan sức khỏe và sự sống của bệnh nhân; việc đào tạo tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Việc đưa môn ngữ văn vào xét tuyển ngành y sẽ lợi bất cập hại. Nếu sinh viên không đủ khả năng tiếp thu kiến thức chuyên môn ngành y, có thể họ sớm phải bỏ học hoặc học xong không hành nghề được. Vì vậy, nếu xét tuyển đầu vào không chuẩn sẽ dẫn đến việc lãng phí lớn về tiền của, thời gian.
Theo ông Phương, một số ý kiến cho rằng bác sĩ cần phải giao tiếp tốt, có khả năng trao đổi với người bệnh... Tuy nhiên, trên thực tế, kỹ năng giao tiếp không phụ thuộc vào môn ngữ văn mà vào tố chất, sự rèn luyện của mỗi người.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, khẳng định: Với ngành y, quan trọng nhất vẫn là những kiến thức khoa học tự nhiên, sau đó là ngoại ngữ. Ngành y có chương trình đào tạo rất nặng, công phu và thời gian lâu nhất. Chất lượng tuyển sinh đầu vào và quá trình đào tạo ngành này liên quan trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân. Do vậy, phương án tuyển sinh tốt sẽ chọn được những sinh viên ưu tú theo học y dược. Chất lượng nhân lực ngành y liên quan trực tiếp đến năng lực đào tạo của các trường, cũng như năng lực của sinh viên.
Đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn các trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe có trách nhiệm trong việc tuyển sinh và đào tạo. Không để sinh viên mất công học hành 6 năm nhưng ra trường với kiến thức và kỹ năng không bảo đảm, không qua được kỳ thi đánh giá năng lực của Hội đồng Y khoa quốc gia cũng như không đủ năng lực làm nghề.
Sinh viên ngành y dược rất cần kiến thức các môn khoa học tự nhiên. Ảnh: LAN ANH
Cần xây dựng chuẩn đào tạo ngành y
Theo Luật Giáo dục đại học, các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học của của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nêu rõ các trường có thể tự chọn môn trong tổ hợp xét tuyển, miễn là mỗi tổ hợp có tối đa 3 bài thi, trong đó có toán hoặc ngữ văn.
Bộ GD-ĐT cũng quy định cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, phải dựa trên việc phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm. Với quy định trên, các trường có quyền đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển khối ngành sức khỏe nhưng phải có trách nhiệm giải trình căn cứ của việc lựa chọn này.
Theo TS Lê Đông Phương, cuộc đua tuyển sinh khối ngành sức khỏe luôn rất khó khăn với các trường đại học ngoài công lập bởi liên quan đến danh tiếng đào tạo. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe của một số trường đại học ngoài công lập chưa được kiểm chứng. Do vậy, chuyên gia này cho rằng việc các trường ngoài công lập mở rộng xét tuyển ngành y bằng môn văn có thể là cách để có thêm nguồn tuyển.
Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo ngành y, TS Lê Đông Phương đề xuất Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam rà soát các quy định hiện hành, xây dựng quy chuẩn về việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo ngành y cũng như khối ngành sức khỏe nói chung. Theo ông, cần có sự thống nhất, bảo đảm về tiêu chuẩn chất lượng, chuyên môn nhưng không ảnh hưởng quyền tự chủ của các trường.
PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng không nên đưa môn văn vào xét tuyển ngành y. "Chỉ nên xem văn là môn điều kiện cùng môn ngoại ngữ" - PGS Hoàng Bùi Hải nêu quan điểm. Thay vì bỏ môn tự nhiên nào đó như toán, hóa hay sinh để thay bằng môn văn, ông nhìn nhận có thêm môn văn hay ngoại ngữ sẽ hợp lý hơn.
"Toán, hóa, sinh là những môn liên quan mật thiết với đào tạo ở trường y sau này. Một bác sĩ trước hết cần phải giỏi môn tự nhiên, nếu giỏi thêm cả môn văn thì càng tốt" - PGS Hải nhận định.
. GS-TS LÊ NGỌC THÀNH, Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược (ĐHQG Hà Nội):
Thận trọng phương án xét tuyển
Ngành y nói riêng và khối ngành sức khỏe nói chung phải trải qua quá trình đào tạo lâu dài, công phu, quá trình học tập gian khổ, do vậy các cơ sở đào tạo cần thận trọng trong phương án xét tuyển.
Vì thế, các cơ sở đào tạo cần cân nhắc kỹ việc xét tuyển môn ngữ văn cho ngành y. Học sinh muốn theo đuổi ngành học này thường là những em có khả năng về các môn hóa, sinh. Nếu các trường xét tuyển điểm môn văn cao nhưng điểm các môn tự nhiên lại thấp thì sinh viên sẽ khó học giỏi nghề được.
. GS-TS HOÀNG NĂNG TRỌNG, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình:
Khập khiễng, không thể yên tâm
Việc dùng môn ngữ văn xét tuyển vào ngành y đã được đưa ra thảo luận từ mấy năm trước. Phần lớn các trường y công lập đều không đồng ý với quan điểm này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng truyền thống này tồn tại quá lâu, đã đến lúc cần thay đổi chứ không còn mặc định các khối truyền thống A, B, C, D nữa. Đầu vào không quá quan trọng, quan trọng là quá trình đào tạo như thế nào. Tôi cho là môn văn cần cho phẩm chất của người làm ngành y. Song, cũng cần lưu ý không phải cứ ai giỏi văn thì có tâm hồn nhân hậu, nhân văn.
Nếu trường nào đó bỏ môn sinh để đưa môn ngữ văn vào xét tuyển ngành y là rất khập khiễng, không thể yên tâm với việc đào tạo này. Theo tôi, nếu không học giỏi môn sinh thì khó học ngành y. Bỏ môn sinh là rất nguy hiểm với việc đào tạo, vì đó là khoa học về sự sống, khoa học về con người. Nếu không hiểu được nó thì rất khó để nghiên cứu về giải phẫu, về con người.
Tuy nhiên, nếu dùng bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên với 3 môn lý, hóa, sinh, cùng với 2 bài thi toán, ngữ văn thì học sinh sẽ phải học rất vất vả để có kết quả tốt nhất. Chính vì thế, khi xét tuyển cần cân nhắc kỹ về khối thi, môn thi.
. Thầy ĐINH ĐỨC HIỀN, giáo viên môn sinh Hệ thống Giáo dục Học Mãi:
Không bảo đảm quyền lợi của thí sinh
Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và thông tin tuyển sinh ngành y những ngày qua khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang.
Hiện nay, tuyển sinh khối ngành y dược vẫn dựa chủ yếu vào điểm thi tốt nghiệp THPT với 3 môn toán, hóa, sinh. Điểm chuẩn những ngành này luôn ở mức rất cao, học sinh thường phải luyện thi ngay từ lớp 10. Trong khi đó, ở dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 mới được công bố, phương án tuyển sinh khối ngành y dược chưa được thống nhất.
Bộ GD-ĐT dự kiến học sinh chọn 2 môn trong số môn tổ hợp để thi tốt nghiệp. Nếu năm 2025, các trường khối ngành sức khỏe vẫn sử dụng tổ hợp B để tuyển sinh thì nhiều thí sinh không thể thi được tổ hợp toán, hóa, sinh. Thực tế hiện nay, nhiều trường không có tổ hợp đủ cả hóa và sinh, rất nhiều học sinh phải học thêm môn sinh ở ngoài để phục vụ mục đích thi ngành y.
Đây là bất cập của dự thảo vì không bảo đảm quyền lợi của học sinh. Trong khi các trường y chưa thống nhất tuyển sinh chung và theo phương thức nào, học sinh vẫn phải học trong tâm thế bị động. Mong Bộ GD-ĐT cũng như các trường y sớm trả lời câu hỏi này để thí sinh xét tuyển vào ngành y từ năm 2025 bớt lo lắng.
Bình luận (0)