"Tình yêu đồng giới khá mãnh liệt và có phần cực đoan, nếu không ứng xử khéo léo, nhà trường không những gây tổn thương cho chính học sinh (HS) mà còn vi phạm những quy định về quyền con người" - cô H.K, giáo viên (GV) chủ nhiệm một trường THPT tại quận 3, TP HCM, cho biết.
Lúng túng sợ làm tổn thương HS
Cô K. kể lại câu chuyện năm lớp 10, không những GV mà rất nhiều HS trong trường đều chú ý đến 2 bạn nữ thường xuyên xuất hiện cùng nhau, trong đó một bạn giới tính là nữ nhưng lại khá giống nam ở hình thức tóc tém và phong cách, đặc biệt bạn này không bao giờ chịu mặc áo dài theo quy định. Một vài lần, giám thị còn bắt gặp hai nữ sinh này có những cử chỉ âu yếm nhau trong giờ ra chơi, thường xuyên trốn đến khu vực nhà vệ sinh hay góc khuất. Phong trào của lớp cũng nhiều lần bị ảnh hưởng. "Là GV chủ nhiệm lúc đó, tôi lập tức gọi cả 2 em, gay gắt yêu cầu viết kiểm điểm, xin phép nhà trường được tách 2 em ra 2 lớp khác nhau. Sau đó, 2 em phản đối theo cách một em nghỉ học, một em lên lớp theo kiểu chống đối để trả đũa GV. Nhận thấy tình hình không ổn, tôi tìm hiểu hoàn cảnh, đến nhà thuyết phục, xin lỗi HS và vận động em trở lại trường. Chỉ dặn dò các em trong trường học hay những nơi công cộng cần giữ thái độ chừng mực" - cô K. kể lại.
Minh họa: KHỀU
Lúng túng trong ứng xử khi học trò yêu đồng giới là câu trả lời chúng tôi nhận được khá nhiều khi khảo sát ý kiến của nhiều GV làm công tác tâm lý học đường. Cô A.M, GV tư vấn tâm lý ở một trường THPT tại quận 5 (TP HCM), thẳng thắn: "Hầu hết đều không dám can thiệp, vì can thiệp cách nào cũng khó. Tình yêu đồng giới, hơn nữa lại là lứa tuổi HS, vừa dữ dội vừa có chút nổi loạn. Chúng tôi chỉ khuyên các em nếu đã thật sự yêu thì phải hiểu bản chất tình yêu là gì để cùng nhau tiến bộ, chứ tuyệt đối không gây tổn thương cho nhau. Trước đây, trong trường có 2 HS nam yêu nhau, một em sau đó yêu người khác, em kia đau khổ đến mức từng rạch tay tự tử. Cũng may gia đình phát hiện kịp và báo với nhà trường để kịp thời để ý hơn đến các em" - cô M. nói.
Bảo vệ HS trong môi trường học đường
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay, cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) khá nhiều. Dù xã hội ngày một tiến bộ nhưng không phải ở môi trường nào, người LGBT cũng được đối xử công bằng.
Ở môi trường học đường, thanh thiếu niên LGBT càng dễ bị kỳ thị, xa lánh, thậm chí bị bắt nạt. Chính vì vậy, họ có xu hướng tự bảo vệ nhau, chống lại xung quanh và nếu các trường học không ứng xử văn minh, nhân văn và bảo vệ HS thì rất dễ gặp những tình huống đáng tiếc.
Thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng HS yêu đồng giới hiện nay hầu như trường nào cũng có. Nhưng các GV đều thống nhất với nhau phải luôn cư xử tế nhị, nhẹ nhàng với các em. Các thầy cô, đặc biệt là GV tâm lý, cũng sẽ để ý, theo dõi, tư vấn tâm lý nhưng tư vấn không phải để ép buộc các em chối bỏ giới tính của mình mà để các em hiểu hơn, đó có phải là tình yêu hay chỉ là rung động nhất thời.
Thầy Hải cũng cho hay thầy cô hơn ai hết phải luôn cho các em thấy mình là người sẵn sàng chia sẻ, làm bạn với các em chứ không kỳ thị, không phân biệt. "Nhưng trong môi trường học đường, nếu HS yêu nhau dù là đồng giới hay không cũng cần chừng mực, ứng xử văn minh. Nhà trường luôn nhắc nếu các em tôn trọng mọi người thì người khác cũng tôn trọng các em lại như vậy" - thầy Hải cho biết.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), chia sẻ nhà trường luôn quan niệm rằng mọi HS đều được đối xử như nhau và tình yêu của các em cũng vậy. Chỉ khi không bị nhìn với con mắt dị biệt thì các em sẽ thoải mái và cảm thấy được tin tưởng, được an toàn và hòa đồng hơn. Chỉ khi các em có những hành động thái quá thì trường mới nhắc nhở nhưng thầy cô cũng phải hết sức nhẹ nhàng, tinh tế.
Còn phân biệt đối xử
Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Save Children và Viện Nghiên cứu y - xã hội học (ISMS) tại TP HCM về "Nghiên cứu thanh thiếu niên LGBT" cho thấy hiện nay tình trạng phân biệt đối xử vì là LGBT trong trường học theo tỉ lệ như sau: bị bắt nạt, quấy rầy bởi bạn bè: 53,8%; bị bắt nạt, quấy rầy bởi giáo viên, cán bộ nhà trường: 23%; bị ép buộc thay đổi đồng phục: 20,4%; bị ép buộc thay đổi kiểu tóc, cử chỉ, điệu bộ: 29,3%
Trong một báo cáo mới đây về "Hướng tới môi trường học đường an toàn, bình đẳng và hòa nhập" của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội thực hiện, báo cáo khuyến nghị các trường nên xem xét việc áp dụng những quy định linh hoạt hơn về việc mặc đồng phục hay xây dựng ít nhất một phòng vệ sinh không phân biệt giới tính trong trường học.
Bình luận (0)