Vấn đề thành lập hội đồng trường cho đến nay vẫn còn là một khó khăn đối với phần lớn các trường ĐH vì chính Luật Giáo dục 2019 cũng chưa rõ ràng về bộ phận quan trọng này trong chính sách tự chủ ĐH.
Hội đồng trường: Ở nước ngoài và ở ta
Nhìn tổng quát trên thế giới, chúng ta có chủ yếu 3 loại trường ĐH phân biệt theo nguồn tài chính đầu tư gồm:
Thứ nhất, trường ĐH công lập, do nhà nước thành lập. Tài chính của trường lấy từ ngân sách nhà nước phân bổ và từ học phí để chi cho các hoạt động thường xuyên. "Nhà nước" là chủ trường, có thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND ở ta; chính phủ tiểu bang ở nước ngoài.
Ở Mỹ, trường công lập cũng như các tổ chức giáo dục trong nước, cũng huy động được tài trợ của các nhà hảo tâm trong số cựu sinh viên xuất sắc, gọi là Quỹ Thiện nguyện (Endowment Fund). Nhà nước chủ quản thành lập hội đồng trường gồm các nhân sĩ ở địa phương để chỉ đạo và quản lý ban giám hiệu/ban điều hành của trường. Hội đồng trường tìm chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng. Hiệu trưởng thành lập các bộ máy điều hành, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hội đồng trường không tham gia các hoạt động điều hành hoặc chuyên nghiệp của trường ngoài nhiệm vụ chỉ đạo và quản lý việc ban giám hiệu sử dụng kinh phí của nhà nước giao.
Trường ĐH Kinh tế TP HCM là một trong những trường đã tự chủ về tài chính. Trong ảnh: Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM làm thủ tục nhập học Ảnh: TẤN THẠNH
Thứ hai, trường ĐH thiện nguyện (không vụ lợi). Đây là cơ sở ĐH tư thục do cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chiêu mộ giảng viên. Họ mời một nhóm nhân sĩ khác họp lại thành một hội đồng tín thác (Board of Trustees) để cai quản vốn ban đầu gọi là Quỹ Thiện nguyện. Hội đồng tín thác tổ chức tuyển chọn hiệu trưởng và hiệu trưởng thành lập ban giám hiệu trường. Ban giám hiệu tổ chức các bộ máy điều hành, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cũng tại Mỹ, các trường loại này phần lớn là những trường danh tiếng nhất trong nước. Cũng như hội đồng trường của các trường công lập, hội đồng tín thác của các ĐH thiện nguyện không tham gia các hoạt động điều hành và chuyên nghiệp của trường.
Thứ ba, trường ĐH tư thục (có vụ lợi), do một nhà tư bản hoặc một công ty tư nhân đầu tư. Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty - chủ đầu tư vốn - là người góp vốn cũng là người quản lý mọi hoạt động của trường, từ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất đến tìm chọn và bổ nhiệm nhân sự. Loại trường ĐH này không có hội đồng nào khác có thể thay HĐQT được vì mệnh hệ của đồng vốn là trách nhiệm của đơn vị này. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường cao hay thấp tùy thuộc kinh phí đầu tư của HĐQT. Do đó, trường tư thục không thể có hội đồng trường để quản lý và chỉ đạo HĐQT.
Hiện nay tại Việt Nam, loại hình trường ĐH tư thục thiện nguyện (không vụ lợi) gần như không có, ngoại trừ vài trường do Chính phủ nước ngoài viện trợ đầu tư.
Về tự chủ đại học
Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, phong trào tự chủ ĐH được các trường quan tâm, đặc biệt là trường công lập. Khi đó, bộ chủ quản muốn giao bớt trách nhiệm về cho trường, đồng thời giảm bớt phần nào kinh phí từ ngân sách nên sẽ lập ra một hội đồng trường. Hội đồng trường sẽ tuyển chọn hiệu trưởng và hiệu trưởng thành lập ban giám hiệu và bộ máy giảng dạy. Như thế, trường rất muốn được tự định đoạt các hoạt động đào tạo, tuyển sinh, tuyển giảng viên; thiết kế ngành học, mức học phí…; quan trọng nhất là vẫn muốn nhà nước tiếp tục giao ngân sách hoạt động thường xuyên, giao chỉ tiêu kèm kinh phí tương ứng như trước (qua đặt hàng về đào tạo và nghiên cứu khoa học).
Các trường tốp trên, với danh tiếng có sẵn từ lâu không những sẽ thu hút nhiều thí sinh loại giỏi mà còn có thể tranh thủ kinh phí nghiên cứu khoa học của quốc tế tài trợ hoặc của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước.
Các trường ĐH tư không vụ lợi thường là trường rất thanh thế, có nguồn tài chính từ học phí rất cao cùng quà tặng vào Quỹ Thiện nguyện từ các mạnh thường quân và cựu sinh viên. Các giáo sư thường tranh thủ nhiều kinh phí nghiên cứu của các cơ quan nhà nước hoặc các quỹ thiện nguyện, Hội Khoa học, Hội Giáo dục để làm nghiên cứu.
Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thông qua hội đồng tín thác, không bị ràng buộc bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường có một ban kiểm tra nội bộ rất nghiêm ngặt, báo cáo thường kỳ cho hội đồng tín thác theo dõi việc sử dụng ngân sách của trường. Hội đồng tín thác cho phép ban giám hiệu ký hợp đồng với một công ty kiểm toán độc lập để thanh - quyết toán ngân sách của trường hằng năm. Trường luôn trích một phần tiền từ ngân sách làm quỹ học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi.
Hội đồng trường trong các trường này thực ra là hội đồng tín thác, chỉ họp 1 hoặc 2 lần/năm. Họ không lĩnh lương mà chỉ lĩnh tiền bồi dưỡng cho những ngày họp hội đồng và các chi phí nảy sinh trong mỗi kỳ họp.
Đối với trường ĐH tư có vụ lợi, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, ngoài vốn đầu tư, HĐQT tự do đầu tư kinh phí theo khả năng cũng như ở những lĩnh vực mà luật cho phép. Nhà trường tự chủ kế hoạch và chương trình đào tạo từ tuyển sinh đến đầu ra, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội.
Như đã nói ở trên, tất cả hoạt động trong nhà trường đều do HĐQT chịu trách nhiệm quyết định nên không thể thành lập hội đồng trường ở đây. Nếu có hội đồng trường thì HĐQT sẽ mở rộng, mời thêm chuyên gia nhưng chủ tịch vẫn phải là chủ tịch HĐQT.
Các trường tự quyết tồn tại hay đào thải
Có thể nói, từ giai đoạn này, trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chính sách tự chủ ĐH đang đưa các trường công lập, dân lập, tư thục hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường để sinh tồn hoặc đào thải là do tự mình quyết định.
Trong tự chủ ĐH, trường nào cố gắng hết sức mình đào tạo ra sinh viên có kiến thức và tay nghề cao, có nhiều công trình khoa học hữu ích thì trường đó sẽ tồn tại và được xã hội tuyên dương. Trường nào đào tạo ra sản phẩm tồi, "học giả với bằng cấp thật" thì xã hội sẽ từ bỏ và trường đó sẽ không tồn tại được, dần tự đào thải.
Sáng nay, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm về tự chủ đại học
Trước sự quan tâm của dư luận về tự chủ giáo dục ĐH, nhất là các cơ sở giáo dục đang thực hiện tự chủ hoặc thí điểm tự chủ, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Tự chủ ĐH và những vướng mắc cần tháo gỡ".
Buổi tọa đàm nhằm nhìn nhận và đánh giá lại quá trình thực hiện quyền tự chủ ĐH, được quy định tại Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (Luật số 34) và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi; trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ; những thuận lợi và khó khăn; đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục ĐH chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về thực hiện tự chủ đại học; xây dựng đề án thí điểm tự chủ; nêu bật hiện trạng thực hiện tự chủ về tài chính, nhân sự, học thuật... tại đơn vị mình, qua đó kiến nghị với Bộ chủ quản cũng như các bộ - ngành hữu quan về những tồn tại, bất cập nhằm thúc đẩy thực hiện tự chủ theo Luật số 34 một cách hiệu quả, có chiều sâu trong thời gian tới.
Buổi tọa đàm được tổ chức vào sáng 12-11-2020, bắt đầu lúc 8 giờ tại Hội trường lầu 2 - Báo Người Lao Động - 123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
P.V
Bình luận (0)