Cấm nửa vời...
Theo một thống kê không đầy đủ thì ít nhất tại 1/2 số trường tiểu học (TH) ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... hiện tượng dạy thêm vẫn được duy trì, thậm chí càng gần đợt thi cuối kỳ, các hoạt động này càng gia tăng.
Trong khi đó, Chỉ thị 15/CT-BGD&DDT của Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm các hình thức dạy thêm đại trà có thu phí từ đầu năm học 2003 – 2004. Các Sở GD-ĐT Hà Nội (272 trường TH), TPHCM (435 trường), Hải Phòng (217 trường)..., đều đã ban hành các văn bản dưới luật không cho phép giáo viên trực tiếp cũng như gián tiếp ép buộc học sinh học thêm ngoài giờ chính khóa. Các trường hợp luyện thi học sinh giỏi, phụ đạo học sinh kém không được nhiều hơn 6 em và không được thu phí. Các nhóm trông giữ vào buổi chiều trong và ngoài phạm vi trường học cũng như các trường hợp ngoại lệ khác phải do phụ huynh yêu cầu và phải được hiệu trưởng cho phép bằng văn bản, chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản. Cơ sở dạy thêm phải bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn cháy nổ, thông thoáng, diện tích đầy đủ (ít nhất 1 m2/người + 5 m2 bục giảng), trang thiết bị đúng quy định và không được nhiều hơn 20 em. Các giờ dạy thêm không được muộn hơn 18 giờ 30 phút hằng ngày và không được xếp vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Đầu tháng 8-2003, tại hội nghị tổng kết năm học 2002 – 2003, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định rằng các hiệu trưởng và giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý hành chính.
Tuy nhiên vì các kiểu “cấm nửa vời” với “các trường hợp đặc biệt” này mà tháng 11-2003, sau khi mở một đợt thanh tra quy mô lớn ở một số tỉnh, thành trong cả nước, Bộ GD-ĐT đưa ra kết luận rằng các hoạt động dạy thêm vẫn được duy trì, thậm chí được một số hiệu trưởng bao che để đi vào hoạt động bí mật hoặc bán bí mật.
Dạy chui...
Một hiện tượng lách luật đang diễn ra? Bởi lẽ nhiều lớp học bị thanh tra đều lấy lý do phụ đạo các học sinh kém, được phụ huynh đề nghị và sự chấp thuận của hiệu trưởng.
Thăm dò ở 10 trường TH Hà Nội, mới thấy các cô giáo luôn sẵn sàng mọi thủ tục giải trình nếu bị thanh kiểm tra. Ban phụ huynh lớp có văn bản đề nghị cô giáo phụ đạo, chịu trách nhiệm về phòng ốc, trang thiết bị. Tại các trường lớn, nhiều con cái các quan chức, các thương gia giàu có ở 4 quận nội thành Hà Nội, các lớp học thường được đặt tại nhà riêng một phụ huynh khá giả nào đó. “Tức là kín cổng cao tường khiến các công tác thanh kiểm tra khó khăn. Đôi khi chỉ một cú điện thoại của họ cũng đủ buộc chúng tôi phải chưng hửng về nhà” - chị Thanh H., một thanh tra giáo dục Hà Nội chua chát. Chị nói thêm: “Hầu hết các lớp bị thanh tra đều có những vi phạm nhất định... Nhưng rồi biên bản để đó mà chưa có trường hợp nào được đưa ra xử phạt hành chính”.
Người trong cuộc nói gì?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tâm sự: “Học nhiều quá khiến không ít học sinh lâm vào tình trạng trầm cảm, bị ức chế, thậm chí bị cận thị, vẹo cột sống để lại hậu quả suốt đời, 74% học sinh tốt nghiệp TH có vấn đề về sức khỏe... Thử hỏi chúng ta sẽ đi đến đâu nếu trào lưu dạy thêm không chấm dứt”.
Cô giáo Ph., của một trường TH quận Ba Đình thanh minh: “Thực ra tôi không hề muốn dạy, nhưng giáo trình khá nặng, nhiều em không theo nổi trên lớp vì quá đông (50 đến 60 bạn học). Học thêm cũng là một cách giải quyết”.
Thực sự các cô giáo không màng tới món thu nhập béo bở này sao? 20 em, đóng góp 250.000 đồng đến 300.000 đồng/em là 5 đến 6 triệu đồng/tháng không phải ít. Nhiều phụ huynh còn truyền tai nhau rằng có giáo viên gián tiếp ép buộc học sinh tham gia phụ đạo, gợi ý trả học phí dạy thêm coi như sự bảo đảm cho con cái được điểm tốt vào kỳ thi cuối năm. Chị Hoàng A., phụ huynh Trường TH Lê Văn Tám (Bách Khoa), lại cho rằng: “Chúng tôi chẳng có thời gian kèm cặp các cháu nên vẫn trông chờ vào cô giáo. Bộ, sở cũng chẳng cấm được. Cách giải quyết tốt nhất là đưa vào khuôn khổ, mỗi lớp học đều phải được cấp phép thông qua một quá trình công khai. Cô giáo nào tổ chức dạy chui, ép học sinh học thêm lập tức bị kỷ luật, nhẹ thì cắt lớp, nặng thì cho thôi việc”.
Đứng trước hiện tượng này, dường như Bộ GD-ĐT cũng tiến thoái lưỡng nan vì chỉ cấp đại học và sau đại học là bộ có quyền can thiệp trực tiếp, còn cấp TH thuộc quyền hạn của các sở, phòng. Vả lại có quá nhiều quyền lợi trong cuộc chơi nên một Chỉ thị 15 hẳn chưa đủ. Không biết tới đây Thanh tra Giáo dục và Vụ Tiểu học sẽ làm gì?
Bình luận (0)