Theo thống kê ban đầu ở nhiều quận, huyện TP HCM, do năm học này lượng học sinh (HS) tăng đột biến nên nhiều trường học, nhất là các trường tiểu học đang từ dạy 2 buổi/ngày phải chuyển xuống học 1 buổi tất cả các lớp. Theo lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), tình hình này sẽ càng đáng lo hơn khi từ năm học sau (2018-2019), áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, nghĩa là HS phải được học 2 buổi/ngày.
Xây trường không kịp
Chưa bao giờ xin được một suất học bán trú lại khó khăn với phụ huynh như thời gian vừa qua, nhất là với những phụ huynh không có thời gian đón con. Tỉ lệ bán trú giảm dần đều nhất là những quận có lượng HS tăng mạnh hằng năm.
Học sinh tăng quá nhanh khiến nhiều trường thay vì dạy 2 buổi/ngày xuống còn 1 buổi Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện nay, ưu tiên đầu tiên của các quận, huyện, nhất là với những quận, huyện gặp áp lực về tăng dân số như Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, vẫn phải là bảo đảm đủ chỗ học trước khi nghĩ đến chuyện bán trú.
Ông Tạ Tân, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết tiêu chí hàng đầu của quận vẫn là bảo đảm đủ chỗ học cho HS đến độ tuổi đến trường, nên hiện nay, tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày chỉ dưới 30%, riêng bậc tiểu học dưới 50%. Năm học trước, tỉ lệ này là 100% ở bậc mầm non nhưng bậc tiểu học chỉ có 23% và THCS là 10,3%. Nhiều quận, huyện khác cũng trong tình trạng tương tự khi tốc độ xây trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học. Theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, để 100% HS tiểu học và THCS được học 2 buổi/ngày, số trường lớp phải tăng gấp đôi hiện nay mới đủ chỗ.
Tại quận Thủ Đức, một quận cũng gặp áp lực không kém về dân nhập cư và chỗ học cũng chung nỗi canh cánh vấn đề 2 buổi/ngày. Theo ông Dương Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, do lượng HS vào lớp 1 năm học này tăng đột biến nên để bảo đảm đủ chỗ học, nhiều trường tại quận từ học 2 buổi/ngày, nghĩa là có bán trú nay phải chuyển xuống 100% lớp học 1 buổi/ngày. Điển hình như các Trường Tiểu học Bình Triệu, Đào Sơn Tây, Tiểu học Hiệp Bình Phước tại phường Hiệp Bình Phước, Tiểu học Hiệp Bình Chánh tại phường Hiệp Bình Chánh… Ông Tuấn cũng cho hay riêng tỉ lệ bán trú của toàn quận, chưa năm nào vượt quá con số 50%.
Tại quận Bình Tân, năm học này chỉ có khoảng 34% các trường tại quận tổ chức được bán trú cho HS.
Tìm cách giảm áp lực
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho hay toàn quận chỉ 62% trường tổ chức được bán trú. Tuy năm học này, quận Gò Vấp không tăng quá nhiều HS, các trường trước đây tổ chức được bán trú vẫn giữ nguyên nhưng gay go nhất là trong năm học sau. "Khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, nghĩa là 100% HS học 2 buổi/ngày, đồng nghĩa với có tổ chức bán trú, sẽ vô cùng nan giải vì trường lớp không theo kịp" - ông Thủy cho biết. Theo kế hoạch tại quận Gò Vấp, trong năm học này, sẽ có thêm 10 trường học mới, trong đó có 5 trường công lập và 5 trường theo hình thức xã hội hóa nhưng đến nay, chỉ 2/5 trường công lập được hoàn thành.
Vì nhu cầu cho con học bán trú quá lớn, đặc biệt ở bậc tiểu học, nên tại TP HCM xuất hiện mô hình bán trú vệ tinh, nghĩa là xung quanh các trường tiểu học có các nhóm trẻ được kiểm tra, cấp phép, sau chương trình buổi 1, các nhóm này sẽ đón HS về chăm sóc, giảng dạy đến chiều để chờ phụ huynh đón về. Tuy nhiên, do những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, an toàn cho trẻ, chương trình giảng dạy nên dù là mô hình khá ổn để san sẻ gánh nặng 2 buổi/ngày nhưng không phải địa bàn nào cũng có thể thực hiện được.
Tại quận Gò Vấp, theo ông Nguyễn Thanh Thủy, hiện nay mới có Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương thực hiện chức năng mô hình bán trú vệ tinh để hỗ trợ, đưa đón, giảng dạy HS của 2 trường Tiểu học An Hội và Tiểu học Lương Thế Vinh. Ông Thủy cũng cho rằng để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong khi thời gian chỉ còn 1 năm, điều cần thiết là tuyên truyền cho phụ huynh hiểu, hơn nữa phải tập trung đẩy mạnh mô hình tích hợp, liên kết với các trường có đủ điều kiện để mở rộng mô hình bán trú vệ tinh, giảm áp lực tìm chỗ học buổi chiều cho HS.
Khó đạt mục tiêu
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày sẽ đạt 100% với tiểu học và 65% với THCS. Nhưng hiện nay, do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh trong khi nhiều dự án trường, lớp còn chậm tiến độ nên mục tiêu này rất khó đạt. Theo lãnh đạo nhiều quận, huyện, với lượng HS hằng năm tăng cao như tại TP HCM, để bảo đảm chỗ học, cần một số lượng trường, lớp tương xứng, song đến nay, dù rất cố gắng nhưng mật độ trường lớp tại TP HCM không thể theo kịp tốc độ tăng dân số.
Bình luận (0)