Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-10, giáo sư (GS) Nguyễn Ngọc Châu cho biết ông đã nhận thêm email tố 21 ứng viên GS, phó giáo sư (PGS) có hồ sơ không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng (HĐ) GS ngành y thông qua.
Chuyển đơn tố cáo đến HĐGS nhà nước
Sau khi xem các đơn thư tố cáo và nhận định đây là những thông tin có căn cứ, GS Nguyễn Ngọc Châu - nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đã chuyển các đơn này tới HĐGS nhà nước. "Thời hạn các HĐGS ngành làm việc đã gần hết, trong khi việc thẩm định các hồ sơ ứng viên phải mất đến cả tuần nên tôi chuyển thông tin đến HĐGS nhà nước để chuyển về các HĐGS ngành. Nếu tôi tự thẩm định thì không kịp thời gian" - GS Nguyễn Ngọc Châu nói và cho biết lý do các ứng viên này bị tố cáo là gian dối đối với các bài báo khoa học. "Trên cơ sở danh sách các tạp chí OA mà tôi đã nêu khi thẩm định hồ sơ của các ứng viên, nhiều người đã cung cấp thêm cho tôi các ứng viên cũng đăng bài trên các tạp chí không đủ tiêu chuẩn này" - GS Châu thông tin.
Trước đó, GS Nguyễn Ngọc Châu đã có báo cáo gửi HĐGS nhà nước và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế của 16 ứng viên GS, PGS 2 ngành y, dược.
Theo báo cáo này, trong số 16 ứng viên bị tố cáo, có 15 ứng viên đã được các hội đồng GS ngành thông qua để HĐGS nhà nước xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2020. Báo cáo thẩm định của GS Nguyễn Ngọc Châu cho thấy 12/16 ứng viên ngành y, dược bị tố cáo không đạt yêu cầu về công bố do không đủ bài theo yêu cầu đối với ứng viên GS, PGS… GS Nguyễn Ngọc Châu đã đề nghị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc, thanh tra toàn diện kết quả xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020 của 2 hai hội đồng ngành này và thông báo công khai cho cộng đồng khoa học cũng như dư luận xã hội biết.
Một phiên họp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước
Cửa ải ngặt nghèo
Theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-1-2020, ứng viên cho chức danh GS phải công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Ứng viên GS không đủ công trình khoa học quy định tại điểm này thì phải có ít nhất 3 trong số các công trình khoa học nêu trên và 2 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 3 trong số các công trình khoa học và 2 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.
Với ứng viên cho chức danh PGS, bắt đầu từ năm nay, phải công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Ứng viên PGS không đủ công trình khoa học thì phải có ít nhất 2 công trình khoa học và 1 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 2 công trình khoa học và 1 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.
Quy định này được coi là cửa ải ngặt nghèo để các ứng viên có được chức danh GS, PGS. Chính vì thế, nhiều ứng viên phải "lách" bằng cách đăng bài trên các tạp chí mở, thu tiền in bài, không có hệ thống kiểm duyệt tốt. Theo thẩm định của GS Nguyễn Ngọc Châu, thậm chí một ứng viên ngành dược (nguyên là editor của tạp chí Systermatic Reviews in Pharmacy) còn bị tố là người tổ chức đường dây nộp tiền đăng bài cho nhiều ứng viên ngành y và dược. Tức là khi các ứng viên có nhu cầu, sẽ có người đứng ra "lo" các bài báo khoa học cho ứng viên đó.
Một chuyên gia đầu ngành y, từng nhiều năm ngồi HĐGS ngành, cho biết có nhiều ứng viên ngành y rất giỏi nhưng cũng có người năng lực hạn chế phải thuê viết bài báo khoa học, thuê đăng bài. Chuyên gia này chia sẻ nhiều người chạy theo chức danh GS, PGS vì thành tích hoặc coi là công cụ tiến thân của mình.
"Mất uy tín, người ta cười cho"
Lý giải về việc nhiều ứng viên GS, PGS liên tục bị tố cáo gian dối về bài báo khoa học, GS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng chức danh GS, PGS có thể đem lại nhiều lợi ích cho ứng viên. "Ví dụ, bạn đi vào viện, giá khám của GS khác, PGS khác, mà tiến sĩ hay bác sĩ chuyên khoa thì càng khác. Đó là điều dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, có chức danh cũng giúp nhiều người có những vị trí tốt" - GS Châu nói. Nhà khoa học này cũng khẳng định với các nhà khoa học chân chính, dù có được mời đăng bài miễn phí trên các tạp chí OA cũng không đăng, vì "mất uy tín, người ta cười cho".
Bình luận (0)