Những giáo trình nhàm chán
Cả lịch sử dân tộc gần 2.000 năm, từ đầu đến thế kỷ 15, mà trong một thời gian dài chỉ học ở lớp 6, lớp 7 phổ thông; trong khi các lớp còn lại cấp 2, cấp 3 lại chỉ học tập trung từ cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Số lượng tiết học sử trong một thời gian dài trước đây, trừ lớp 8, 9, lớp 12 được 2 tiết/tuần, còn các lớp khác chỉ có 1 tiết/tuần, nên thầy cô dạy sử chỉ có thể thông báo vắn tắt mà người ta gọi là phương pháp đọc chép. Cả thầy lẫn trò chưa có thói quen đọc sách và sưu tầm tư liệu. Nếu nói là lười đọc hay không có nhu cầu đọc sách hoặc sưu tầm tư liệu thì cũng không sai! Có cái gì nhàm chán ở các giáo trình sử các cấp! Có rất nhiều cái bất hợp lý trong đào tạo giáo viên sử tại các trường sư phạm, nhất là khi học đại cương một năm rưỡi vốn quá sơ lược, rồi sau cũng không có thời giờ nhiều để học tiếp chuyên sâu!
Mặc cảm khi dạy môn sử
Đó là chưa kể rất ít người vào học sư phạm ngành sử, nếu học cũng do tình cờ, không theo sở trường sở thích, không hề yêu nghề dạy học cũng như yêu sử. Có năm ở khoa sử tôi dạy, có 20 sinh viên khi tuyển sinh chỉ được 1,5 điểm sử! Có cô giáo dạy giỏi sử mà thú nhận rằng rất mặc cảm, không muốn được người ta biết mình dạy sử vì môn sử chẳng phải là môn học sáng giá và làm gì có lòng tự hào về dạy sử vì sự thua kém về nhiều mặt trong trường mình dạy, kể cả cách đối xử của ban giám hiệu.
Hồi tôi dạy trong trường sư phạm, môn phương pháp dạy học sử rất quan tâm đến sinh hoạt ngoại khóa vốn rất đa dạng, trong đó có tham quan lịch sử làm các sinh viên rất hứng thú học sử. Khi ra trường, nhiều sinh viên khá, giỏi rất hăng say, song chỉ được vài năm là xìu lại trước thực trạng đời sống giáo viên rất khó khăn, thu nhập quá thấp so với các môn dạy khác nên các đồng nghiệp không thích bày ra nhiều việc để làm!
Giải quyết vướng mắc về tư duy lịch sử
Tôi chỉ xin trình bày một vài nét chấm phá về tình trạng nghiên cứu lịch sử, học sử ở nước ta. Nếu ai ở trong nghề dạy sử phổ thông, nhất là dạy về phương pháp dạy sử ở trường sư phạm vài chục năm như tôi thì thấy ngay từ lâu việc nghiên cứu sử, việc dạy học sử đã có vấn đề rồi! Ngành sử, dạy và học sử cực kỳ khó khăn và nhiều bất cập! Việc học trò không yêu sử, nhất là trong thời kỳ không còn chiến tranh là điều rất hiển nhiên. Lịch sử chúng ta hiện nay hầu hết là lịch sử đấu tranh!
Trong thời kỳ xây dựng đất nước, sự tự hào về những chiến thắng chống xâm lược là điều rất quan trọng. Song phải cho học sinh biết những độc đáo về văn hóa Việt Nam để học sinh tự hào và sau này học sinh lo bảo tồn phát huy những độc đáo của dân tộc mình và ra sức hành động để xây dựng nước Việt Nam cường thịnh, nhất là thấy được mối nhục về sự tụt hậu của đất nước ta! Không nên dạy đất nước ta “rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”, mà như người Nhật dạy cho giới trẻ rằng đất nước họ có nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục!
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, khởi đầu phải giải quyết những vướng mắc về tư duy lịch sử, làm sao để không còn xơ cứng giáo điều. Phải đào tạo lại và đào tạo những chuyên gia nghiên cứu, soạn thảo chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học. Dù gì đi nữa, trước hết phải cải tiến vị trí, đời sống của các giáo viên sử để họ nức lòng cũng như những học sinh giỏi say mê lịch sử sẵn sàng chấp nhận vào ngành nghiên cứu sử, dạy sử.
Hướng dẫn người học sử Người học sử sẽ thích thú nếu được hướng dẫn tự sưu tầm tài liệu để tham gia thảo luận để biến những kiến thức trong sách vở thành tri thức của riêng mình. Được hướng dẫn kỹ năng tóm ý nội dung các tiểu mục, bài học, kỹ năng tư duy suy luận, đánh giá, phân tích, tổng hợp cũng như kỹ năng áp dụng, kỹ năng đọc bản đồ, sơ đồ, đồ thị... thay vì chỉ lo ghi chép để học thuộc lòng, để đáp ứng kiểm tra trí nhớ, chẳng khác nào đang bị tra tấn khi học sử như hiện nay! |
Bình luận (0)