TP HCM hiện có 80 trường mầm non (MN) và hơn 40 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (CQG). Tỉ lệ này quá thấp so với các địa phương khác. Trong khi đó, nhiều trường CQG được công nhận trước đây hầu hết đã “rớt chuẩn” vì sĩ số tăng cao. Ở bậc tiểu học, tình hình còn căng hơn khi năm nay, hầu hết các trường quá tải vì lứa “heo vàng” vào lớp 1.
Mệt mỏi “giữ chuẩn”
Một trong những trường MN đầu tiên của TP HCM được công nhận CQG là Trường MN Bến Thành (quận 1) đã phải “phá chuẩn” từ 3 năm nay do quá tải về sĩ số.
Cùng cảnh ngộ là Trường MN 19-5, sau nhiều năm phấn đấu giảm sĩ số lớp học ở mức 35 trẻ/lớp để đạt danh hiệu trường CQG giai đoạn 1 vào năm 2001, từ sĩ số ban đầu chỉ 650 học sinh (HS) nhưng nhiều năm nay, số trẻ toàn trường luôn ở mức hơn 1.000 với 18 lớp. Do áp lực tuyển sinh quá lớn, trường phải tận dụng hết các phòng chức năng để tổ chức dạy học.
Học sinh Trường Mầm non quận 3, TP HCM trong giờ chơi Ảnh: TẤN THẠNH
Ở bậc tiểu học, tình hình còn căng hơn khi đây là năm học lứa tuổi “heo vàng” vào lớp 1. Theo thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 9, năm nay, lượng HS vào lớp 1 tăng quá cao so với mọi năm. Ở năm học trước, số HS lớp 1 chỉ khoảng 3.000 thì năm nay tăng trên 5.000 HS. Việc phải nhận hết số HS này khiến nhiều trường CQG điêu đứng. Để “giữ chuẩn”, Trường Tiểu học Phước Long A (trường CQG) đã phải chuyển 127 HS sang Trường Tiểu học Phước Long B đang được xây mới khi năm học đã bắt đầu khiến phụ huynh phản ứng gay gắt.
Không còn mặn mà
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường CQG chỉ được có tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 HS. Diện tích đất bình quân cho một HS không dưới 6 m2 đối với khu vực nội thành và 10 m2 đối với ngoại thành. Ngoài ra, phải có đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị dạy và học. Chính vì những yêu cầu nghiêm ngặt trên nên có nghịch lý là những quận nội thành như quận 1, quận 5 - nơi tập trung rất nhiều trường tiểu học, MN có chất lượng nổi trội - lại không có trường nào đạt CQG.
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 1, nếu xét đến những tiêu chí về dạy và học thì những trường như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng dư sức đạt chuẩn nhưng thực tế thì ngược lại.
Trong khi đó, theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 5, nhiều trường hiện nay dù đạt CQG hay chưa cũng không còn mặn mà với chuẩn này vì để “giữ chuẩn” rất mệt mỏi, trong khi kinh phí sửa chữa, nâng cấp hằng năm không hề nhỏ, áp lực tuyển sinh cứ đến hẹn lại lên.
Mặt khác, phụ huynh hiện nay chọn trường cho con cũng rất tinh, bằng chứng là những trường điểm của quận 1 dù không phải CQG nhưng phụ huynh vẫn muốn con vào học. Xây dựng trường CQG là cần thiết nhưng tại sao chỉ tập trung vào những trường có điều kiện, còn các trường khác thì sao? Làm như vậy là thiệt thòi cho HS.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết quận có duy nhất Trường MN Tuổi Thơ 7 đạt CQG. Theo quy trình thì năm nay trường sẽ phải đánh giá để được công nhận lại nhưng bị vướng do một thành viên của ban giám hiệu chưa đạt trình độ quản lý nên xin khất đến năm sau.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), một trường có cơ sở vật chất thuộc dạng tốt nhất thành phố với sân chơi, hồ bơi, các phòng chức năng cũng đang vướng chuẩn vì sĩ số. “Hiện tại, trường có 33 lớp, trong vòng 3 năm nữa, trường có thể giảm sĩ số để được công nhận CQG nhưng lại vướng chuẩn về sân tập đa năng.
Trường đề xuất sử dụng luôn phần sảnh trước để tăng diện tích. Nếu được chấp nhận thì tốt, còn không thì… bó tay” - bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết. Theo bà Hà, danh hiệu trường chuẩn hay không chuẩn chỉ là cách gọi chứ không phải để phân biệt trường này, trường kia. Chất lượng giáo dục mới thực sự là quan trọng. Nếu cứ ôm danh hiệu rồi lơ là các hoạt động dạy và học thì chỉ là danh hiệu hão và sớm muộn gì phụ huynh cũng sẽ tẩy chay.
Cần lộ trình để tránh bất công
Theo dự kiến, TP HCM sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng nhiều trường CQG mới. Theo bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, xây dựng trường CQG trong xu thế hiện nay là phù hợp nhưng phải có lộ trình để tránh những bất công. Tránh tình trạng vì “giữ chuẩn” mà phải đẩy hết trẻ sang các trường khác. Vì vậy, ở quận Tân Phú nếu trong một phường có trường CQG thì phải có một trường công lập khác để tiếp nhận thêm trẻ. Đơn cử như phường Tân Thành có Trường MN Nhiêu Lộc đạt CQG thì có thêm Trường MN Hoa Đào ở phường Phú Trung sẵn sàng nhận HS để “giảm tải” cho Trường MN Nhiêu Lộc về sĩ số... |
Bình luận (0)