Thầy giáo Võ Hải Bình vẫn nhớ như in buổi học ôn thi học kỳ môn toán hôm đó. Trong lớp 11A8 rất ồn ào, có học sinh xung phong làm bài, có học sinh thì trao đổi bài...
Riêng Lê Anh Tuấn không những không chịu ôn bài mà còn chọc ghẹo và giỡn với một học sinh khác đang bị bệnh xương sườn phải bó thanh sắt trong người. Thầy Bình cho biết khi thấy vậy, thầy dọa sẽ ghi vào sổ đầu bài. Anh Tuấn cùng với 2 học sinh nữa đã tự nhận hình phạt “thụt dầu” để khỏi bị thầy ghi vào sổ.
Ân hận suốt đời
“Khi nghe tin Anh Tuấn phải vào bệnh viện, tôi rất bàng hoàng, tôi không tưởng tượng nổi hậu quả như thế. Tôi đã vội vàng vào bệnh viện để thăm em, dù biết có thể sẽ bị gia đình em rầy la hoặc có khi bị đánh. Khi thấy em nằm trên giường bệnh, tôi ân hận vô cùng. Chỉ vì thiếu hiểu biết về mặt y khoa mà tôi đã vô tình làm tổn thương em...”.
Thầy giáo Võ Hải Bình kể lại và cho biết suốt mấy ngày qua không hề chợp mắt vì cứ nghĩ về những gì đã xảy ra, thương và lo cho bệnh tình của học trò nhiều mà giận mình cũng nhiều.
“25 năm làm nghề giáo, tôi luôn thương học trò và chưa bao giờ làm gì ác ý với các em. Nhiều lúc thấy tôi dễ tính nên học trò có quậy phá trong giờ học, đáng ra theo quy định, tôi phải ghi vào sổ đầu bài để cuối kỳ trừ vào điểm hạnh kiểm, nhưng tôi đã không làm thế vì nghĩ các em không hư mà chỉ là do sự hiếu động của tuổi học trò. Nhưng tôi đã sai lầm khi để các em tự chọn hình phạt “thụt dầu”- thầy giáo Võ Hải Bình tâm sự.
Trong khi Anh Tuấn và 2 bạn nữa cùng tự nhận hình phạt “thụt dầu”, thầy giáo Võ Hải Bình cho biết là vẫn để mắt tới học trò và khi thấy các em mệt, thầy đã bảo: “Thôi các con làm thế được rồi, thầy cho các con nợ” và những học trò này đứng dậy vận động, đi lại rồi học bài tiếp.
Riêng Anh Tuấn mấy ngày sau vẫn đi học bình thường nên không ngờ hình phạt đó lại khiến Anh Tuấn phải vào viện. “Điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe của Anh Tuấn. Lỡ em có bị làm sao thì tôi ân hận suốt đời” - thầy giáo Võ Hải Bình cố ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra.
Thầy giáo Võ Hải Bình: “Tôi thương vì lo cho bệnh tình của học trò nhiều mà giận mình cũng nhiều”. Ảnh: N. Hữu
25 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Võ Hải Bình kể đã tiếp xúc với nhiều học sinh cá biệt nên vẫn nhớ có một học trò từng vác dao rượt đuổi phụ huynh, tổ chức đánh nhau trong lớp. Đáng ra, học sinh này phải bị khai trừ khỏi Đoàn và chịu hình phạt hạnh kiểm kém, thế nhưng thầy đã cố gắng giúp em nhận ra sai lầm và giúp em có cơ hội sửa chữa sai lầm.
Thầy vẫn luôn nói với học trò sống phải có cái tâm, phải sống tốt và cách phạt của thầy cũng chỉ mong các em ngoan hơn, nhưng thầy không lường được hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Tôi gởi lời xin lỗi tới gia đình em Tuấn và mong mọi người thông cảm cho tôi”- thầy giáo Võ Hải Bình nói.
Sai lầm đắt giá
Làm việc trong một hoàn cảnh mà việc đạt thành tích cao trong đào tạo được đặt lên hàng đầu, thầy Bình cũng như nhiều giáo viên khác luôn phải chịu sức ép phải làm sao để học trò hiểu bài, làm bài tốt, đạt điểm cao. “Nếu học trò không đạt điểm cao thì giáo viên bị khiển trách, do đó khi các em lười học, quậy phá, giáo viên phải có biện pháp để các em nghiêm chỉnh học bài hơn. Chỉ tiếc rằng, phương pháp của tôi chưa đúng”.
Thầy giáo Võ Hải Bình thừa nhận và cũng nói rõ thêm là chương trình học hiện quá nặng nên để không cháy giáo án, giáo viên phải hết sức truyền đạt kiến thức cho các em. Trong khi đó, có những học sinh không tập trung, gây ồn ào, buộc thầy phải nhắc nhở.
Trong bản kiến nghị gửi Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn, 28 học sinh lớp 11A8 viết: “Vẫn biết “thụt dầu” là một hình thức không nên có trong sư phạm nhưng điều đó khác xa với tính cách của thầy hằng ngày lên lớp “Thương cho roi cho vọt”. Chúng em mong sao ban giám hiệu đừng kiểm điểm thầy Bình quá mức mà mất đi một thầy giáo giỏi, tận tình”. |
Sau khi sự việc xảy ra, thầy giáo Võ Hải Bình vẫn cố gắng đứng vững vàng trên bục giảng vì có niềm động viên lớn là học trò của lớp 11A8 chăm chỉ học, ngoan và thương thầy hơn. Nhưng nghiệt ngã thay là thầy cũng hay tin chỉ vài buổi học nữa thôi, thầy sẽ phải tạm ngưng dạy để chờ hình thức kỷ luật.
Tâm sự với chúng tôi đến đây, thầy giáo Võ Hải Bình không ngăn được nước mắt: “Con gái tôi mới tròn 1 tuổi, tôi không biết phải làm gì để nuôi con nếu buộc phải thôi việc...”. Thầy cũng cho biết dù lương giáo viên eo hẹp nhưng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình thầy trong khi vợ thầy vẫn còn nghỉ việc để nuôi con nhỏ. “Tôi chỉ mong ban giám hiệu rộng lượng với tôi. Sai lầm này là bài học đắt giá mà tôi sẽ phải nhớ suốt đời” - thầy giáo Võ Hải Bình tâm sự.
Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu phó Trường THPT Lê quý Đôn - TPHCM: Bài học cho các giáo viên Chuyện xảy ra là một điều đáng tiếc vì ảnh hưởng đến uy tín và nhân phẩm của người thầy giáo. Dư luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ở trường, thầy giáo Võ Hải Bình là người có tư cách tốt và rất thương yêu học trò. Sự việc xảy ra xuất phát từ chỗ học sinh sợ bị thầy ghi vào sổ đầu bài. H. Lân ghi |
Bà Nguyễn Thị Thu, mẹ của học sinh Lê Anh Tuấn: Đó là tai nạn của gia đình tôi và thầy giáo! Rất xót xa khi con phải nhập viện do trước đó bị thầy giáo bắt “thụt dầu” quá sức, nhưng gia đình tôi không oán trách, cũng không muốn gây khó khăn cho thầy giáo bởi chuyện xảy ra không phải vì thầy giáo ghét bỏ học sinh mà có lẽ do thiếu hiểu biết về vận động nên nghĩ học sinh khác làm được thì học sinh này cũng làm được.
Học sinh Lê Anh Tuấn: Em không giận thầy ! Mấy hôm nay ngày nào thầy Võ Hải Bình cũng đến bệnh viện thăm và động viên em sớm bình phục. Phải nhập viện, em thấy mình có lỗi vì chưa ngoan, đã đùa giỡn trong giờ học. H.Lân ghi |
Bình luận (0)