"Tổng kết năm học vừa qua, chúng ta cần đánh giá chính xác thực trạng giáo dục của TP, để qua đó tìm ra giải pháp thích hợp, hiệu quả nhất, đưa sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng và bền vững" - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do UBND TP tổ chức sáng 25-8.
Kiên trì mục tiêu chất lượng
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết ngành GD-ĐT TP đã vượt qua một năm học rất đặc biệt, nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành công trong năm học qua đến từ nỗ lực kiên định thực hiện quá trình đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành GD-ĐT TP đã sớm tiên phong triển khai. Việc các nhà trường được giao tự chủ, nhiều năm mạnh dạn chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên môn, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá...
Nói về triển khai nhiệm vụ năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết trong năm học 2022-2023, toàn ngành GD-ĐT sẽ chủ động, tích cực thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động - sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục" với các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập. Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở. Tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong năm học 2021-2022. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG
Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc bày tỏ năm học vừa qua trong bối cảnh TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh TP HCM đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành năm học, thực hiện tốt chủ trương của ngành là "ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập". Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng bày tỏ TP HCM luôn là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp GD-ĐT; là xuất phát điểm của nhiều mô hình mới, hiệu quả với những biện pháp tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá nhằm xây dựng và mở rộng trường lớp, xây dựng những mô hình nhà trường tiên tiến, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế...
Đặt hàng với ngành GD-ĐT TP HCM, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị tập trung 6 vấn đề, trong đó cần tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT, các nguồn lực xã hội hóa. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cần một nền giáo dục thực chất
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên chúc mừng ngành GD-ĐT TP HCM, đội ngũ thầy cô giáo vì trải qua một năm học gặp vô vàn khó khăn, thử thách nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn đã giúp toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 để lại di chứng cho toàn xã hội, ảnh hưởng nhiều mặt của đời sống.
Tại học kỳ I năm học vừa qua, trong khi TP đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đây là thử thách mới chưa từng có nhưng ngành GD-ĐT đã nhanh chóng chủ động thích ứng, triển khai hiệu quả các biện pháp vừa ứng phó dịch bệnh vừa tranh thủ các cơ hội có thể để triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành, giữ vững thành tích trong các kỳ thi, đạt nhiều kết quả cao, các huy chương quốc tế. "Kết quả rất đáng hoan nghênh nhưng trong bối cảnh khó khăn, kết quả đó càng đáng trân trọng, tôi đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng thành tích xuất sắc của các thầy cô giáo, học sinh đã đạt được trong năm qua..." - Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Bí thư Thành ủy TP HCM ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành đã đạt được trong năm học vừa qua. Mặc dù vậy nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận thực trạng đó là chưa phát huy hết tiềm năng điều kiện, có lúc, có nơi còn bỏ lỡ thời cơ có thể tận dụng để khắc phục khó khăn. Khó khăn lớn nhất của ngành GD-ĐT TP cũng là khó khăn của TP là áp lực dân số lớn, mật độ dân số cao trong khi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói chung và quy hoạch trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu học tập ngày càng cao. Khó khăn về hạ tầng kỹ thuật khiến ngành GD-ĐT lúng túng trong dạy học trực tuyến. "TP với vai trò là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên trong quy hoạch phát triển sự nghiệp GD-ĐT phải nghĩ tới sứ mệnh của mình đối với các địa phương khác" - Bí thư Nguyễn Văn Nên lưu ý.
Trăn trở với việc xây dựng một nền giáo dục thực chất, Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ, chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thể hiện tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. TP HCM luôn nhận thức và hành động nhất quán với quan điểm chỉ đạo đó, xem giáo dục là lĩnh vực hoạt động rất quan trọng, tác động trong mối quan hệ mật thiết với tất cả lĩnh vực trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển TP. "Một nền giáo dục thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Để xã hội phát triển toàn diện và bền vững, cần một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả hoạt động" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Không để độc quyền sách giáo khoa
Sâu sát, đặt hàng nhiều vấn đề với ngành GD-ĐT, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đối với giáo dục mầm non. Năm học vừa qua, đây là bậc học gặp nhiều trở ngại, học sinh không thể đến trường, cũng không có điều kiện học trực tuyến như học sinh các khối lớn hơn. Nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo đóng cửa. Nhiều giáo viên không có việc làm, phải tự bươn chải để mưu sinh, nhiều cô giáo không thể bám nghề. Các chế độ hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo chưa thật sự tương xứng...
Đối với giáo dục phổ thông, đây là bậc học có nhiều vấn đề cần giải quyết cả trước mắt và lâu dài. Các quận, huyện, sở ngành cần lưu ý, quan tâm phối hợp với ngành giáo dục nắm chắc nhu cầu học và khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp gồm: công lập, bán công, tư thục, có đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa. Cần xác định rõ các thông tin quá tải trường lớp xảy ra ở đâu, cụ thể tình hình thế nào, đã có hướng giải quyết hay chưa. Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà của chung hệ thống chính trị. "Đối với sách giáo khoa, ngành giáo dục cần chú ý tính hai mặt của nó, nếu thực hiện không khéo sẽ gây thêm phiền toái cho người học. Việc lựa chọn sách, ngành giáo dục cần tạo điều kiện, nghiên cứu tình hình để giáo viên và học sinh có điều kiện tham khảo nhiều bộ sách khác nhau, qua đó nâng cao chất lượng học tập, tránh tình trạng độc quyền.
Ghi nhận, tiếp thu những vấn đề Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và Bí thư Thành ủy nêu, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ cùng ngành GD-ĐT TP, các sở, ban ngành thực hiện. Năm học mới, TP sẽ tổ chức việc học tập trong điều kiện thích ứng an toàn và hiệu quả với dịch bệnh. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát tình trạng quá tải trường lớp. "Quận, huyện sẽ lo phòng học, trường học tạm. Ngành giáo dục lo giáo viên, không thể chấp nhận một lớp học trên 60 em. Phải rà soát ngay để tổ chức lại" - ông nhấn mạnh. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị việc lựa chọn sách giáo khoa phải minh bạch. Đừng để sự việc tương tự Việt Á diễn ra trong ngành giáo dục...
Nâng thu nhập cho giáo viên là cấp bách
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, TP rất trân trọng những nhà giáo, cá nhân đã nỗ lực vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn, thử thách để bám ngành, bám nghề, đóng góp thành tích chung cho ngành giáo dục. "Tuy nhiên, nỗ lực không thể kéo dài mãi, vượt qua khó khăn trong khoảnh khắc thôi, bởi sức người có hạn. Nếu cứ để các thầy cô giáo bươn chải đời sống thì không thể yên tâm. Câu hỏi được đặt ra là, sứ mệnh được giao cho ngành giáo dục cực kỳ lớn nhưng công tác bảo đảm điều kiện để đội ngũ thực thi sứ mệnh đáp ứng chưa?" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu vấn đề. Trước hết, việc nâng cao mức lương, thu nhập của nhà giáo là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong khi chờ chính sách chung của Đảng và Nhà nước thì TP tiếp tục nghiên cứu để có thể ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy cô giáo yên tâm bảo đảm cuộc sống, đặc biệt đối với những khu vực còn nhiều khó khăn.
Bình luận (0)