xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vượt nước xiết vùng biên giới

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Sau khi đăng loạt bài cảnh báo về sự không an toàn trên những chuyến đò ở khu vực miền Trung, phóng viên Báo NLĐ ghi nhận thêm những chuyến đò đầy hiểm họa ở ĐBSCL. Đó là những chuyến đò đưa học sinh đến trường

Chiếc xuồng nhỏ xíu gắn máy “đuôi tôm” chở hơn 20 đứa trẻ ngồi chen chúc nhau, nín thở vượt dòng nước lũ chảy xiết trên sông Hậu để về đất mẹ học những con chữ vỡ lòng. Đó là hình ảnh quen thuộc của những học sinh Việt kiều ở Pẹc Chạy, quận Korthum, tỉnh Kandal, Campuchia trong cuộc hành trình qua biên giới để đến trường trên đất Việt.


Khai giảng trong mùa lũ


Xã Pẹc Chạy dân cư rải rác, không chợ, cũng không có tiềm năng nông nghiệp nên người Campuchia gốc Việt ở đây đa số đều nghèo khó. Phần đông sống dọc theo bờ sông Hậu đối diện với các xã Phú Hữu, Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Chỉ riêng 3 xã Pẹc Chạy, Sầm Pa Puôl, Sơn Kha Mau của quận Korthum đã có khoảng 2.300 hộ, với hơn 10.000 dân Campuchia gốc Việt sinh sống. Hầu hết những gia đình ở đây đều có họ hàng, người thân ở bên kia bờ sông thuộc Việt Nam.


Năm nay, 4 xã, thị trấn vùng biên của huyện An Phú đón nhận khoảng 1.100 học sinh Việt kiều quay về học tập. Nhiều nhất là Trường Tiểu học Khánh An và Trường THCS Khánh An, đón nhận tổng cộng hơn 700 học sinh là Việt kiều Campuchia. Năm học mới bắt đầu cũng là lúc nước lũ đầu nguồn lên cao. Pẹc Chạy chìm trong nước, không còn lấy một con đường.


Xuồng nhỏ vượt sông lớn


Để tới lớp học bên này biên giới, các em phải bơi xuồng hoặc đi đò ngang, đò dọc. Hai anh em Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Thị Tú nhà ở tận trong Mương Vú, một thôn vùng sâu của xã Pẹc Chạy, sáng nào cũng tranh thủ dậy sớm, nấu cơm đem theo rồi bơi xuồng vượt cánh đồng Pẹc Chạy ra sông Hậu. Bà Nguyễn Thị Tư, mẹ của Thanh, Tú, cho biết hai đứa trẻ đang học ở Trường Tiểu học Khánh An. “Mặc dù để tụi nhỏ bơi xuồng đi học trong mùa lũ là hết sức nguy hiểm nhưng không có cách nào khác.

img
Mỗi ngày, học sinh Việt kiều phải đến lớp trên những chiếc đò nhỏ, không an toàn


Vợ chồng tôi giăng câu, giăng lưới suốt ngày mới tạm đủ sống. Nếu cử ra một người đưa rước hai cháu sẽ ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, càng khổ” - bà Tư bày tỏ. Không riêng Thanh, Tú, nhiều học sinh khác ở Pẹc Chạy cũng phải tự bơi xuồng đến lớp. Lớn hơn những học sinh khác, Nguyễn Văn Có, học sinh Trường THCS Khánh An, chịu trách nhiệm dậy sớm, bơi xuồng đến nhà rước từng học sinh, rồi cùng nhau vượt quãng đường thủy khoảng 5 km. Cứ mỗi trận mưa là cánh đồng lũ trở thành biển sóng, đầy hiểm họa.

Nhà có 3 anh em nhưng chỉ mình Có được đi học. “Hồi trước, ba mẹ tính chỉ cho con học tới lớp 5, biết chữ là cho nghỉ về tiếp ba mẹ giăng câu, lưới. Biết nhà nghèo, ba mẹ cực khổ nên con cố gắng học giỏi. Thấy vậy, ba mẹ cho con học tiếp lên cấp 2. Con đã tự bơi xuồng đến lớp từ hồi học cấp 1” - Có cho biết. Không may mắn hơn, hai em Trần Văn Nhiều, Đoàn Thị Kim Túc, học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học A Khánh An, để đến được lớp học, mỗi ngày, hai em phải đi qua một cánh đồng ngập nước rồi mới đến bến đò ngang, sang sông.

Túc ngọng nghịu nói: “Đi trên cánh đồng ngập nước dễ bị trượt chân, nguy hiểm lắm. Tập, sách của tụi con bị ướt hoài”. “Nhà trường hết sức lo lắng cho sự an toàn của các em nhưng không có cách nào giúp đỡ. Vì hoàn cảnh mỗi em mỗi khác, gia đình các em lại sống trên nước khác” - cô giáo của Túc tiếp lời.     

img
Bên cạnh sự hồn nhiên, trên đường đến trường của các em luôn có những hiểm nguy


Anh Cường, nhà ở xã Pẹc Chạy, mỗi ngày đưa con đến lớp bằng chiếc xuồng nhỏ. Đây là trường hợp hiếm có ở vùng biên giới này. Cảm thông cho những người xung quanh, anh Cường đảm nhận đưa rước thêm một số học sinh khác trong xóm. Mỗi ngày, chiếc xuồng nhỏ của anh Cường chở gần  20 học sinh nhưng chỉ có vài chiếc áo phao, không ít người cảm thấy lo âu.

Từ trên cánh đồng Pẹc Chạy, chiếc xuồng nhỏ băng ra sông Hậu, lọt vào giữa dòng nước xiết. Lênh đênh, chao lắc, anh Cường cố bình tĩnh và yêu cầu lũ trẻ trật tự để giữ an toàn. Nhóm học sinh trên xuồng nín thở. Khi đò cập vào bến chợ Khánh An, lên được bờ, các em tung tăng đến lớp, để lại mọi hiểm nguy sau lưng.


1.000 học sinh có nguy cơ thất học


Bức xúc của những người lái đò đưa rước học sinh Việt kiều đi học là chuyện bị xã Khánh An thu thuế cao. Ông Huỳnh Văn Dừng, nhà ở Pẹc Chạy, đã có hàng chục năm lái đò đưa rước học sinh ở đây, cho biết: “Xã Khánh An yêu cầu tôi đóng thuế bến bãi 500.000 đồng/tháng. Tôi không đóng thuế, họ không cho đò vào bến chợ”.

Các chủ đò khác cũng bị yêu cầu đóng thuế tương tự. Ông Dương Dân, một trong những người lái đò ở đây, phân tích: “Cũng có con đi học, luôn tiện, tôi nhận đưa rước thêm những cháu khác. Mỗi cháu, tôi chỉ thu từ 1.000 đến 2.000 đồng/ngày, tùy theo quãng đường. Nếu trừ chi phí xăng dầu, phí đóng cho bên Campuchia mỗi mùa lũ 1,3 triệu đồng, tôi chẳng còn dư bao nhiêu.

Nếu không đóng thuế cho xã Khánh An, đò của tôi không được cập bến chợ, phải vào bến khác, nước chảy xiết, rất nguy hiểm”. Nhiều phụ huynh ở Pẹc Chạy khẳng định: Nếu không có đò đưa rước, hơn 1.000 học sinh Việt kiều không thể tới trường trong mùa lũ, nguy cơ thất học là rất lớn.

 

 

Kỳ tới: Mạng nhện giao thông thủy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo