Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa có báo cáo UBND TP tình hình thực hiện Nghị quyết 35 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019-2025. Trong đó, đặc biệt chỉ ra những khó khăn, hạn chế khiến xã hội hóa GD-ĐT chưa xứng tầm.
Vai trò của hệ thống trường có yếu tố nước ngoài
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tại TP HCM, ngân sách dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của TP HCM.
Ngoài hệ thống các trường ngoài công lập, TP HCM có 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con, em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc làm việc, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với việc phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP thông tin đến nay có 4 trường mầm non ngoài công lập và 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được xây dựng và đưa vào hoạt động phục vụ việc giữ trẻ là con công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cả trẻ em của các hộ dân địa phương, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu gửi con cho con em công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đánh giá công tác huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho GD-ĐT trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, cho biết với những định hướng khuyến khích xã hội hóa giáo dục và nỗ lực thực hiện của các địa phương, hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX, giáo dục nghề nghiệp và ĐH ngoài công lập hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng tỉ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Học sinh tại TP HCM tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh: BẢO LÂM
Tâm lý trông chờ vào nhà nước
Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TP HCM, nhu cầu học tập của người dân thành phố rất lớn, đòi hỏi nhiều loại hình đa dạng nhưng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế. Chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên.
Cơ chế tự chủ nhà trường về tài chính, học phí, tuyển dụng... chưa tạo được động lực lớn để phát triển. Các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều. Tâm lý người dân vẫn còn trông chờ vào sự chăm lo của nhà nước, chưa tin tưởng vào chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập. Thủ tục đầu tư còn phức tạp, bất cập gây khó khăn cho quá trình vận động đầu tư, giới thiệu dự án và đàm phán cụ thể…
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sắp tới TP HCM sẽ kêu gọi doanh nghiệp cùng xây 86 dự án trường học, theo hình thức hợp tác công - tư. Mỗi dự án có vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng. UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo Sở GD-ĐT tham mưu đề án xây dựng trường học, trong đó sẽ có trường học xây dựng bằng vốn nhà nước và trường học xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, vốn kêu gọi đầu tư. HĐND TP HCM cũng sắp ra nghị quyết kêu gọi đối tác công - tư, trong đó đất của nhà nước và kêu gọi tư nhân đầu tư theo nhiều hình thức có thể là đầu tư vào xây dựng vận hành một thời gian trả lại cho nhà nước hoặc có thể vận hành luôn theo luật đầu tư đối tác công - tư. Theo dự thảo đề án từ các quận, huyện báo cáo có khoảng 106 dự án trường học sẽ kêu gọi đầu tư bên ngoài…
Ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết trong thực tế, ngân sách nhà nước đã đầu tư cho giáo dục nhưng để tốt hơn thì cần phải chung sức chung lòng từ các nguồn lực xã hội khác. Xã hội hóa có nhiều hình thức để giải quyết áp lực rất lớn của TP HCM là cơ sở vật chất, trường lớp, các điều kiện để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cần sự chung sức
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng nếu không có xã hội hóa thì không thể có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh hay các chương trình tin học, các môn kỹ năng sống, các hoạt động bổ trợ giáo dục... bởi việc dạy 2 buổi hiện nay thực tế là phải có sự chung sức hỗ trợ của phụ huynh. "Dạy buổi 2 là bắt buộc nhưng ngân sách nhà nước không hỗ trợ. Nếu không có xã hội hóa thì không thể triển khai" - vị này khẳng định.
Bình luận (0)