Dự án “Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” (PEDC) có quy mô lớn nhất của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai. Dự án thực hiện từ năm 2005 đến 2010 với mục tiêu từng bước xóa phòng học tạm, kiên cố hóa trường học, chuẩn hóa các trường tiểu học, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục tiểu học đặc biệt ở các trường khó khăn. Dự án có 430 điểm trường với 1.005 phòng học kiên cố, nhà giáo viên, công trình vệ sinh, giếng nước, điện thắp sáng… tại 10 huyện với tổng vốn hơn 90 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện…, hàng loạt điểm trường, phòng giáo viên đều không sử dụng, không có trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhiều phòng học được trang bị bóng đèn, quạt trần nhưng không sử dụng được vì không có điện. Một số điểm trường, giếng nước, hồ chứa nước và nhà vệ sinh không thể dùng vì hư hỏng. Bà Tạ Thị Hài, Phó Phòng GD-ĐT huyện Krông Pa, cho biết: “Kể từ khi bàn giao đến nay đã mấy năm, các hạng mục không phát huy hiệu quả, xuống cấp nhanh, một số không thể sử dụng được”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Cần, huyện Krông Pa - phàn nàn: “Công trình xuống cấp đã ảnh hưởng đến việc giảng dạy của thầy cô giáo, học sinh không đủ điều kiện để học tập”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây trường rồi bỏ hoang trên được các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai xác định: Do nhiều nhà thầu thi công dở dang, bỏ chạy khỏi dự án vì thiếu năng lực. UBND tỉnh Gia Lai đã nhiều lần phải cấp vốn để hoàn thiện các công trình. Dư luận hồ nghi về công tác chỉ đạo, giám sát của ban điều hành dự án cũng như việc chọn thầu thi công không đủ năng lực.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, xác nhận tình trạng hư hỏng, xuống cấp tại các trường học được thi công theo dự án PEDC. Tuy nhiên, theo ông Thạch, do kinh phí hạn chế nên hiện tại không thể làm gì hơn.
Bình luận (0)