Trường ngoài công lập tự quyết định mức học phí nên học phí tương đối cao. Trong khi đó, trường công lập thu học phí theo khung quy định nhưng với trường công lập tự chủ tài chính lại có học phí cao không kém trường ngoài công lập.
Công lập: Nhiều mức thu
Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ về học phí có hiệu lực từ ngày 1-7-2010, mức trần học phí đối với đào tạo ĐH tại trường công lập phân chia theo ba nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà. Theo đó, từ năm học 2012-2013, học phí nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản: 4,2 triệu đồng/năm; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch: 4,8 triệu đồng/năm; nhóm ngành y dược: 5,7 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đối với trường công lập tự chủ tài chính, học phí từng trường chênh lệch khá nhiều so với mức trần học phí. PGS-TS Lương Minh Cừ, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết: Dự kiến học phí năm 2012 sẽ bằng năm trước (5,5 triệu đồng/năm).
Trường được phép thu phí theo loại hình trường ngoài công lập. Hiện tại trường đang hoạt động theo cơ chế công lập tự chủ tài chính, phải thu học phí tương đối cao để bù đắp các chi phí hoạt động đào tạo”. Trong khi đó, Trường ĐH Mở TPHCM thu học phí theo tín chỉ, trung bình khoảng 110.000 đồng/tín chỉ, học phí cả năm khoảng 4,2-5 triệu đồng (tùy ngành).
Còn học phí Trường ĐH Tôn Đức Thắng tính theo tín chỉ, tùy thuộc vào số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký từng học kỳ (HK), trung bình khoảng 13-16 tín chỉ/HK. Trong đó tín chỉ lý thuyết là 220.000 đồng đối với tất cả ngành (một số ngành khác từ 240.000- đến 280.000 đồng). Còn tín chỉ thực hành đối với môn chung là 370.000 đồng, môn chuyên ngành thì tùy từng ngành có mức từ 370.000 đến 400.000 đồng (trừ môn hóa, điện, quy hoạch và đô thị… cao hơn khoảng 15%-20%). Đối với môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng là 190.000 đồng/tín chỉ, chưa kể học phí toàn khóa học chứng chỉ TOEIC khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tín chỉ học lý thuyết và thực hành, thấp nhất học phí của trường này đã hơn 8 triệu đồng/năm.
Ngoài công lập: Cao ngất ngưởng
Học phí “khủng” năm nay thuộc về Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM thu 74 triệu đồng/năm, chưa kể học phí tiếng Anh. Trường ĐH Tân Tạo (Long An) thu hơn 61 triệu đồng/năm. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn 42-48 triệu đồng/năm (chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt) và 109-120 triệu đồng/năm (dạy bằng tiếng Anh).
Học phí Trường ĐH Hoa Sen với chương trình tiếng Việt từ 39,6 đến 45,6 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Việt và tiếng Anh từ 48 đến 51,6 triệu đồng/năm. Còn Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) thu 15-30 triệu đồng/năm, Trường ĐH FPT 46 triệu đồng/năm.
Năm nay là năm đầu tiên Trường ĐH Tây Đô đào tạo ngành dược và thu 36 triệu đồng/năm, còn các ngành khác từ 9 đến 11 triệu đồng/năm (tăng 2,5 triệu đồng). Đây cũng là năm Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) được đào tạo ngành y đa khoa và dược học, thu học phí từ 33 triệu đến 35 triệu đồng/năm; còn các ngành khác từ 6,5 đến 8,2 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, một số trường ĐH ngoài công lập đã quyết định không tăng học phí (từ 5 đến 8 triệu đồng/năm) như ĐH Thái Bình Dương (Nha Trang), ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, ĐH Đại Nam, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Hòa Bình.
Để thí sinh an tâm không sợ học phí leo thang, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Mức học phí trung bình của trường là 12,98 triệu đồng/năm, trừ các ngành kiến trúc, điều dưỡng, kỹ thuật y học là 15,98 triệu đồng/năm. Chúng tôi cam kết giữ ổn định học phí này trong suốt khóa học”. Trong khi đó, học phí nhiều trường khác tăng cao so với năm trước (xem bảng).
Nhiều “chiêu” hút thí sinh
Cùng với học phí, năm nay nhiều trường tung ra học bổng, quà tặng để hút thí sinh. Nhiều năm liền Trường ĐH Hà Hoa Tiên không tuyển đủ chỉ tiêu, dù với học phí chỉ 5 triệu đồng/năm. Năm nay trường thông báo sẽ thưởng một máy tính xách tay cho thí sinh đạt thủ khoa, còn thí sinh đạt á khoa được tặng máy tính để bàn. Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển vào trường sẽ được miễn một tháng học phí của HK đầu (trị giá 500.000 đồng).
Trường ĐH Nguyễn Trãi hứa tặng ba suất học bổng toàn phần đối với các thí sinh đạt từ 26 điểm trở lên, 50 suất học bổng 70% đối với các thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên, 50 suất học bổng 50% đối với các thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên. Cá biệt, trường còn thông báo tặng 300 suất học bổng 20% trong một năm cho 300 sinh viên đăng ký đầu tiên vào trường!
Còn Trường ĐH Thành Đông cam kết giảm 50% học phí HK đầu tiên cho tất cả sinh viên. Không những thế, năm nay Trường ĐH Tân Tạo có 500 chỉ tiêu nhưng lại thông báo sẽ có 500 suất học bổng toàn phần cho sinh viên năm nhất (học phí 3.000 USD/năm). Sau năm thứ nhất, trường sẽ xem xét và điều chỉnh mức học bổng dựa trên thành tích học tập của sinh viên. Theo đó, đạt từ 3,5 đến 4 điểm (theo thang điểm 4) được cấp 100% học bổng, từ 3 đến dưới 3,5 cấp 75%...
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định việc thông báo học bổng, quà tặng của các trường để thu hút thí sinh là quyền của trường nhưng đưa ra với mức điểm thi quá lý tưởng (từ 21 điểm trở lên) thì hầu như chưa năm nào các trường từng đưa ra “chiêu” thông báo có được thí sinh. Bởi lẽ với mức điểm cao, hầu hết thí sinh đều đã chọn vào trường công lập, trong khi các trường ngoài công lập phần lớn chỉ xét tuyển nguyện vọng sau. Thêm vào đó, với học phí cao, thí sinh rất e ngại đối với các trường này. |
Bình luận (0)