Một chuyên gia giáo dục cho biết, ở Singapore, lớp trưởng tại các lớp học sẽ do các thành viên trong lớp thay nhau đảm trách nhằm rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua các công việc của lớp trưởng, như kỹ năng làm lãnh đạo, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng quan sát, giải quyết các vấn đề phát sinh và hoàn toàn không được hưởng lợi gì… Giáo viên thông qua đó để đánh giá, nhận xét. Tùy từng độ tuổi, cấp học mà yêu cầu đối với vị trí lớp trưởng sẽ khác nhau, đây cũng là một yêu cầu bắt buộc với tất cả học sinh dù muốn hay không.
Trong khi đó, tại các trường học của chúng ta hiện nay, lớp trưởng được bình bầu theo những tiêu chí rất lộn xộn như điểm cao là làm lớp trưởng, lớp trước làm rồi thì lên lớp khác làm tiếp; thậm chí giáo viên chủ nhiệm có cảm tình, quen biết HS thì cử HS làm lớp trưởng; tư tưởng thích làm lãnh đạo, thích chỉ huy của một bộ phận không nhỏ phụ huynh ảnh hưởng lên con khi mới vào tiểu học đã lo…chạy “chức” trong lớp học cho con.
Một chuyên gia giáo dục phân tích: Tại các trường học hiện nay, lớp trưởng được giao quá nhiều quyền hành; thậm chí còn được quyết thay giáo viên chủ nhiệm nhiều việc; sự cưng chiều, tin tưởng, dễ dãi của giáo viên dễ tạo tâm lý cho học sinh khi làm lớp trưởng nghĩ mình có nhiều quyền lực, chỉ huy và ngạo mạn với các bạn trong lớp; ai không nghe lời, làm trái ý là được quyền phạt mà quên mất rằng, tất cả học sinh trong trường đều được quyền bình đẳng như nhau.
“Hiện nay giáo viên chủ nhiệm đang gánh quá nhiều việc, từ những hoạt động phong trào đến công tác chuyên môn nên dễ có tình trạng nhiều giáo viên chỉ nắm tình hình lớp thông qua lớp trưởng, để lớp trưởng làm thay mình nhiều việc. Một khi còn phân biệt quyền hành trong lớp học, thiếu sự quan tâm của giáo viên cùng với việc kỹ năng sống của học sinh đang thiếu trầm trọng thì bạo lực học đường còn diễn ra dưới nhiều hình thức và độ bạo liệt, vô cảm ngày càng tăng”, một giáo viên chủ nghiệm tại một trường THPT ở TP HCM nói.
Bình luận (0)