xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xếp hạng trường ĐH: Tiêu chí nào?

Yến Anh

Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ theo dự thảo nghị định mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến dư luận rất quan ngại về cách làm cũng như các tiêu chí

Dự thảo nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến dư luận.

3 tầng, 5 hạng

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo giáo dục sẽ được chia thành 3 tầng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành; mỗi tầng gồm 5 hạng.

 

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Nhóm “định hướng nghiên cứu” có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực từ trình độ ĐH đến tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học đa dạng, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho các viện nghiên cứu, trường ĐH, học viện cả nước, đóng vai trò chủ lực trong xây dựng đội ngũ nhân lực để phát triển nền kinh tế tri thức.

Với các trường này, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không dưới 50% tổng quy mô toàn trường. Số chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60% tổng số chương trình đào tạo của trường. Ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của các trường này có trình độ tiến sĩ; đào tạo và cấp bằng ít nhất 50 tiến sĩ/năm. Hằng năm, các trường này công bố ít nhất 50 bài báo, công trình, kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, SCI.

Nhóm “định hướng ứng dụng” cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các trường này có chương trình đào tạo chủ yếu theo hướng ứng dụng, hoạt động khoa học công nghệ tập trung theo hướng nghiên cứu triển khai.

Nhóm “định hướng thực hành” là các trường CĐ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ CĐ trở xuống, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng thực hành; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất.

Bộ GD-ĐT cho biết việc phân tầng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm, do Thủ tướng Chính phủ duyệt. Ở mỗi tầng, các trường sẽ được xếp theo 5 hạng. Các hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số.

Theo đó, hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất. Hạng 2 là nhóm 20% cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1. Hạng 3 là nhóm 40% các trường có kết quả xếp hạng sau hạng 2. Hạng 4 là nhóm 20% cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3 và hạng 5 là nhóm 10% các trường có kết quả xếp hạng thấp nhất.

Theo Bộ GD-ĐT, việc xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH được tiến hành theo chu kỳ 2 năm/lần, do bộ lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện.

Nhiều việc cấp thiết đáng làm hơn

Kế hoạch phân tầng, xếp hạng các trường ĐH của Bộ GD-ĐT đã thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia giáo dục. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải phân tầng, xếp hạng các trường nhưng thời điểm nào và tiêu chí ra sao là việc phải tính toán kỹ.

PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, khẳng định ông ủng hộ chủ trương phải xếp hạng các trường ĐH nhưng đặt vấn đề liệu tiến hành ở thời điểm này đã hợp lý hay chưa? “Quan điểm riêng của tôi là chưa hợp lý. Giáo dục Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề quan trọng và đáng làm hơn là xếp hạng các trường ĐH” - PGS Thắng bày tỏ. Theo chuyên gia này, với các tiêu chí mà dự thảo của Bộ GD-ĐT đưa ra, đại bộ phận các trường sẽ ở tốp cuối.

“Tôi chỉ nêu ví dụ nhỏ về tiêu chí khoa học công nghệ đối với các trường định hướng nghiên cứu. Tôi nghĩ sẽ không trường nào đáp ứng được yêu cầu mà bộ đặt ra là kinh phí dành cho hoạt động khoa học - công nghệ không ít hơn 25% tổng kinh phí hoạt động hằng năm của trường. Khi được giao tự chủ tài chính, việc các trường duy trì tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ là rất khó khăn”- TS Thắng phân tích.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng những tiêu chí mà dự thảo của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa thực sự chuẩn xác. “Đó mới chỉ là những tiêu chí chưa được đưa ra thảo luận mà chỉ do một nhóm soạn thảo hoặc một ban nào đó của Bộ GD-ĐT đứng ra phác thảo” - ông nhận xét. Theo ông Hóa, các tiêu chí xếp hạng phải được thảo luận một cách cẩn trọng giữa các nhà khoa học, hiệu trưởng đại diện cho các nhóm trường chứ không thể là ý kiến chủ quan của một nhóm người.

Chuyên gia này cũng nêu quan điểm nên tìm hiểu nền giáo dục của các nước phát triển trong khu vực để tham khảo và học tập các tiêu chí đánh giá của họ. Sau khi họp bàn, lấy ý kiến rộng rãi, phải thống nhất bao nhiêu tiêu chí định lượng, bao nhiêu tiêu chí định tính và sau đó phải có một sự kiểm tra thực sự. “Phải làm thế nào để khi công bố top 10 thì các trường cùng phục chứ không phải công bố chỉ… để công bố!”- ông Hóa nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, cũng đặt vấn đề: “Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay. Nếu cứ đưa ra những tiêu chí chất lượng cao, nhiều trường sẽ dễ rơi vào tầng 5 mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất nguy hiểm cho sự phát triển của các trường” - ông băn khoăn.

TS Nhã cho rằng việc xếp hạng theo chu kỳ 2 năm/lần là quá sức cho bất cứ đơn vị nào thực hiện, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. “Với số lượng khoảng 450 trường ĐH, CĐ, mỗi trường được đánh giá ngoài nhanh cũng mất 5-7 ngày, thảo luận với lãnh đạo nhà trường nhanh là 10 ngày thì không thể xếp hạng kịp theo cách làm cũ” - ông nhìn nhận. 

Nếu không tính toán kỹ, việc xếp hạng trường ĐH có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề không lường hết.

PGS LÊ TRỌNG THẮNG (Trường ĐH Mỏ - Địa chất)

 

Phân tầng tinh hoa và đại chúng

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Nhã, với thực tế các trường ĐH Việt Nam hiện nay thì việc phân tầng rạch ròi ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng sẽ khó. Ví dụ, với  ĐHQG Hà Nội, theo ông Nhã, chắc chắn không thể xếp vào hạng nghiên cứu vì còn có nhiệm vụ đào tạo. Trong ĐHQG Hà Nội có Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có thể coi là trường nghiên cứu nhưng Trường ĐH Ngoại ngữ thì rõ ràng là ứng dụng...

Trước băn khoăn này, TS Ngô Tự Lập, ĐHQG Hà Nội, đặt vấn đề chỉ nên phân thành 2 loại trường ĐH gắn với 2 loại mục đích đào tạo. Loại thứ nhất là các trường đào tạo tinh hoa - có mục đích đào tạo những nhân tài cho đất nước; loại thứ hai là những trường ĐH đại chúng - có nhiệm vụ đào tạo nhân lực.

Theo TS Lập, đối tượng đào tạo của các trường đào tạo tinh hoa là những người sẽ trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo hoặc hoạt động trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và lý thuyết vì nhu cầu lâu dài của xã hội. Hoạt động của các trường ĐH này được nhà nước bao cấp, tức là được đầu tư bằng tiền thuế của dân. Nhóm ĐH tinh hoa chỉ nên bao gồm khoảng 20 trường, trong đó chỉ nên có 2 hoặc 3 trường là ĐH nghiên cứu, có nhiệm vụ đào tạo những tài năng xuất chúng. Các trường còn lại có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho xã hội.

 

Tại sao phải 10%, 20%, 40%?

Phân tích thêm về tỉ lệ các trường được phân thành từng hạng như dự thảo của Bộ GD-ĐT, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng việc xếp hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng là một quan điểm duy ý chí, kiểu giao chỉ tiêu mỗi lớp học phải có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu em trung bình.

“Tại sao phải có các tỉ lệ 10%, 20%, 40%? Nếu đa số các trường chỉ đạt mức trung bình thì vẫn phải cố chọn ra nhóm 10% cao nhất hay sao?” - ông Khuyến đặt câu hỏi.

TS Nguyễn Văn Nhã cũng thống nhất quan điểm này. Theo ông, không thể định tính dự kiến như thế bởi cứ theo các tiêu chí của loại trường thì số lượng các trường ở mỗi tầng có thể nhiều hoặc ít, thậm chí không có trường nào được nằm ở tầng trên cùng mới thực sự là đánh giá khách quan.

TS Ngô Tự Lập cho rằng xếp hạng không phải là việc của Bộ GD-ĐT mà đây là việc của báo chí, của thị trường. Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục lâu năm cũng đặt vấn đề: “Cứ để báo chí hoặc các tổ chức giáo dục phi chính phủ chấm điểm và xếp hạng top 10, 50, 100, 200, 300 như thế giới vẫn đang làm”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo