Phần lớn thời gian của hội nghị báo cáo nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2013-2014 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 13-2 tại Hà Nội được các đại biểu thảo luận về những điều chỉnh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
Mất công bằng, thiếu hiệu quả
Theo phương án điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 13-2, năm 2014, tối đa 20% học sinh sẽ được miễn thi tốt nghiệp. Sở GD-ĐT có thể xác định tỉ lệ miễn thi cụ thể của từng trường, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Các trường được thành lập hội đồng xét miễn thi để xét theo phương án đã được phê duyệt. Hội đồng này gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, đại diện ban chấp hành Đảng bộ/chi bộ, Công đoàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh lớp 12…
Phương án này ngay lập tức đã nhận được phản ứng mạnh mẽ từ phía các sở GD-ĐT. Ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum, cho rằng nếu tổ chức thực hiện việc miễn thi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng, tạo dư luận không tốt trong học sinh, sinh viên.
“Bộ GD-ĐT cần phải đưa ra những tiêu chí cụ thể để miễn thi, tỉ lệ % được miễn thi của từng tỉnh chứ không nên bảo các sở về tự xác định tiêu chí cho riêng địa phương của mình. Hội đồng xét miễn thi chỉ nên đặt ở từng tỉnh, không phải trường nào cũng thành lập hội đồng ban bệ vì vừa mất thời gian vừa không hiệu quả” - ông Thư thẳng thắn.
Cần những quy định rõ ràng
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, nhận định việc xây dựng các phương án miễn thi của bộ rất bất cập. Việc đưa ra tỉ lệ được miễn thi của các trường 20% là không hợp lý vì học sinh trường chuyên 100% khá giỏi cũng chỉ có 20% được miễn. Trong khi đó, các trường khác chất lượng kém hơn mà cũng có được tỉ lệ này thì rất dễ dẫn đến những hệ quả phức tạp.
Theo bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, “làm ra điểm cũng dễ, không khó lắm”. Bà Việt cho biết Tuyên Quang từng có chính sách tuyển thẳng giáo viên mầm non từ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Năm đầu tiên, Tuyên Quang chỉ tuyển được 15 người, năm sau số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đã tăng lên 1.000 người khiến tỉnh phải bỏ quy định tuyển thẳng mà chỉ cộng điểm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, thừa nhận việc xét miễn thi tốt nghiệp không hề đơn giản vì còn nhiều vấn đề. Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, đề nghị bộ phải có tiêu chí “cứng” cho các đối tượng miễn thi tốt nghiệp. “Càng cứng thì càng dễ thực hiện chứ không có tiêu chí nào có khi lại ngẫu hứng cho trường này cao, trường kia thấp, rất phức tạp” - ông Long nói.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng bộ nên cân nhắc việc khống chế tỉ lệ miễn thi 20%. “Ngay cả các thành phố lớn cũng khó thực hiện điều này. Bộ phải đưa ra các tiêu chí xếp loại về học lực, hạnh kiểm, học sinh nào đạt yêu cầu là qua chứ không nên cứ nhất thiết là 20%” - ông đề xuất.
Ngoại ngữ không thể chỉ là môn thi khuyến khích
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng do điều kiện khó khăn khách quan, việc dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau tại các vùng miền nên đây chỉ là môn thi khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tuy nhiên, lãnh đạo các sở GD-ĐT lại không có chung quan điểm này.
Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh trong 4 môn thi tốt nghiệp, ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc. Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng lâu nay, ngoại ngữ cùng với toán, ngữ văn là 3 môn “cứng” trong kỳ thi tốt nghiệp. Nếu không trở thành môn bắt buộc thì nên đưa ngoại ngữ là môn tự chọn thay vì chỉ là môn khuyến khích. “Tâm lý của ta là thi gì học nấy, ít nhất cũng phải để phong trào học ngoại ngữ đi ngang chứ không nên chùng xuống” - ông Hùng nói. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cũng nhấn mạnh cần phải đưa ngoại ngữ trở thành môn tự chọn để nâng cao vị thế môn học quan trọng này cũng như tạo đà cho đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.
Bình luận (0)