PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT,cho biết hiện không có đủ thông tin để nhận định thí sinh điều chỉnh nguyện vọng theo xu hướng nào. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, tỉ lệ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xấp xỉ như những năm trước ở mức 45% cho thấy kết quả điểm thi tác động không ít đến đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Tăng 84.655 nguyện vọng
Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng (từ 29-8 đến 5-9), Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT cho biết tổng số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 358.659, chiếm 45,09% so với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển (795.353 thí sinh).
Sở GD-ĐT Hà Nội có số lượng điều chỉnh nguyện vọng nhiều nhất (49.045 thí sinh), tiếp theo là Sở GD-ĐT TP HCM (36.173 thí sinh); Một số địa phương khác có nhiều thí sinh điều chỉnh nguyện vọng như Thanh Hóa với 15.979 thí sinh, Nam Định 12.615 thí sinh, Hải Phòng 10.879 thí sinh, Thái Bình 10.725 thí sinh, Đồng Nai 9.793 thí sinh, Hải Dương 9.208 thí sinh…
Thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH 2021
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết tỉ lệ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng năm nay nhìn chung tương đương 2 năm gần đây (2019 là 44,14%; 2020 là 42,51%) đồng thời cho biết thêm rằng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển trước khi điều chỉnh là 3.835.720. Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi điều chỉnh 3.920.375. Như vậy, số nguyện vọng tăng thêm sau khi điều chỉnh là 84.655.
Theo lịch trình tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trước 17 giờ ngày 7-9, Sở GD-ĐT và các điểm thu nhận hồ sơ hoàn tất cập nhật thông tin về điều chỉnh sai sót của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD-ĐT.
Các trường đại học thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh từ ngày 12-9 đến 17 giờ ngày 15-9 và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 16-9.
Tìm cơ hội ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, chỉ ra 3 áp lực cạnh tranh trong đợt xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thứ nhất, số thí sinh dự thi THPT và tham gia xét tuyển ĐH năm nay tăng 80.000 so với năm 2020 nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH trên phạm vi toàn quốc là không đổi (khoảng 550.000 chỉ tiêu); Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều thí sinh có dự định đi du học sẽ chuyển hướng học trong nước; Thứ ba, chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT giảm nhiều do các trường tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp …
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho rằng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh biết mình đang ở đâu nên cần phải điều chỉnh lại nguyện vọng cho phù hợp. Với thí sinh điều chỉnh tăng số lượng nguyện vọng thì đây là sự điều chỉnh mang tính dự phòng để tăng khả năng trúng tuyển. Dù các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng thực tế thì tỉ lệ xác nhận nhập học không nhiều, điều này cho thấy nhiều thí sinh vẫn tìm cơ hội ở phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, năm nay số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tăng khoảng 80.000 so với năm 2020 nên mức độ cạnh tranh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn cao.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, không có số liệu về việc điều chỉnh nguyện vọng theo xu hướng nào ví dụ như từ bỏ hoặc đăng ký thêm khối ngành sức khoẻ hay sư phạm để phù hợp với mức điểm ngưỡng; hay có sự dịch chuyển đăng ký từ trường này sang các trường khác hay không do mức điểm ngưỡng trường công bố cao…
Tuy nhiên, số liệu thống kê về tỉ lệ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng không giảm so với các năm trước cho thấy áp lực về sự cạnh tranh trong xét tuyển vẫn rất cao nên thí sinh phải điều chỉnh lại cho hợp lý, thậm chí là tăng số lượng nguyện vọng nếu cần để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)