xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xét tuyển đợt 1 kết thúc trong nước mắt

NHÓM PHÓNG VIÊN

Không ít thí sinh bật khóc khi biết mình bị đánh bật khỏi danh sách trúng tuyển vào giờ chót

Ngày 20-8, Hội trường Trường ĐH Kinh tế TP HCM chật ních thí sinh (TS) và phụ huynh với vẻ mặt mệt mỏi theo dõi điểm chuẩn tạm thời. Tại nhiều trường ĐH khác, dòng chảy nộp - rút hồ sơ quyết liệt đến giờ chót.

Thần kinh thép mới chịu được

Chị Nguyễn Thanh Thủy cùng con gái lặn lội từ Đà Nẵng vào TP HCM vài ngày nay để “canh điểm” Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Hai mẹ con thủ sẵn 3 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào 3 trường để phòng khi điểm chuẩn tăng quá mức dự kiến hiện tại 23,5. Đến 10 giờ 15 phút, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên, ThS Nguyễn Văn Đương, thông báo đã có 50 TS trên 24 điểm nộp hồ sơ, đẩy những TS được 23,25 điểm (với môn toán dưới 7) vào tình thế không còn an toàn. Vừa nghe tin, cả hội trường ồ lên, nhiều phụ huynh, TS vội vã đến bàn rút hồ sơ. Trong ngày cuối cùng nhận hồ sơ xét nguyện vọng 1, cứ mỗi giờ, Trường ĐH Kinh tế lại công bố điểm chuẩn tạm thời một lần. Nhiều TS có mức điểm cách biệt khá an toàn cũng rút lui vì “không chịu nổi áp lực”.

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, tỉ lệ TS nộp/rút hồ sơ tính đến 15 giờ là 300/400 với phổ điểm nộp vào từ 22,5 trở lên. Đây chủ yếu là những TS “không an toàn” ở các trường ĐH: Kinh tế TP HCM, Ngân hàng TP HCM và ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM). Theo ThS Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, chính số TS điểm cao mà vẫn rớt tại các trường kể trên khiến những TS từ 21,25 điểm trở xuống gặp “nguy hiểm”.

Đại diện nhiều trường ĐH cho biết không riêng gì TS, phụ huynh, ngay cả những người làm công tác tuyển sinh nhiều khi cũng “đứng tim”. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên, cho hay tính đến trưa 20-8, số lượng hồ sơ nộp vào và thay đổi NV khoảng 300, rút ra khoảng 500. Nhà trường dự đoán số lượng hồ sơ nộp qua đường bưu điện sẽ rất ít, không gây nhiều biến động trong công tác tuyển sinh.

 

Phụ huynh hồi hộp chờ con tại Trường ĐH Tài chính - MarketingẢnh: Hoàng Triều
Phụ huynh hồi hộp chờ con tại Trường ĐH Tài chính - MarketingẢnh: Hoàng Triều

 

Ghi nhận tại các trường ĐH ở Hà Nội: Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội, Giao thông Vận tải, Bách khoa… cho thấy một cuộc “tháo chạy” khỏi các trường tốp trên và đổ về các trường tốp giữa. Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, lượng phụ huynh, TS đến rút - nộp hồ sơ lên đến cả ngàn người. Anh Nguyễn Xuân Thanh (Bắc Giang) chia sẻ đây là lần thứ ba đưa con trai đi nộp - rút hồ sơ từ Trường ĐH Bách khoa về Trường ĐH Giao thông Vận tải. “Chúng tôi đã quá căng thẳng với cuộc chơi này” - anh Thanh chán nản. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, quê Hải Phòng) bật khóc khi kể về một tuần mệt mỏi bám trụ Hà Nội để theo dõi tình hình xét tuyển của con gái.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Khảo thí Trường ĐH Giao thông Vận tải, cho biết chỉ trong ngày 20-8, có ít nhất 700 TS đến rút hồ sơ trong khi lượng nộp vào cũng không ít. Còn theo lãnh đạo Phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, số TS đến rút hồ sơ “đông kinh khủng”. Tình hình tương tự tại Trường ĐH Đà Nẵng khi hàng ngàn TS và người nhà túc trực để kịp thời thay đổi NV. Nhờ nhà trường cấp cho mỗi TS một mã vạch nên thời gian nộp và rút chỉ mất 15 phút.

Tại TP Huế, PGS-TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế, cho biết trong ngày 20-8, có hơn 3.000 hồ sơ được rút ra.

Không “mặn” thí sinh điểm cao

Khác với kỳ thi 3 chung, TS đăng ký chọn trường trước, còn ở kỳ thi năm nay, TS thi trước, biết điểm rồi mới chọn trường. Vì vậy, nhiều TS xem việc trúng tuyển ĐH có giá trị hơn việc học đúng ngành nghề yêu thích và đây là điều các trường không mong muốn.

ThS Nguyễn Thái Châu cho rằng những TS có điểm cao không trúng tuyển ở những trường tốp trên chạy về Trường ĐH Tài chính - Marketing xét tuyển gần như nắm chắc một suất học tại trường. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này rất đáng ngại. Chẳng hạn, có trường hợp TS rớt ngành kỹ sư hóa dầu bỗng dưng chuyển sang ngành kinh doanh quốc tế, trong khi 2 ngành học này vốn rất khác nhau.

Cùng quan điểm, một đại diện của Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho biết nếu được quyết định, trường không tuyển những TS nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng. Dù có điểm số cao nhưng đây là những TS thực sự không yêu thích trường, chẳng qua vì trượt nơi khác mới tìm đến. Chỉ tiếc những TS nộp hồ sơ từ những ngày đầu nhưng đành phải rút vì sự chen chân của những TS từ nơi khác về.

Tương tự, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nói rằng ông rất tiếc nhưng đành chia tay với các TS nộp hồ sơ từ những ngày đầu vì những TS điểm cao không trúng tuyển vào các trường ĐH: Bách khoa, Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) đổ về.

Cơ hội nào cho TS trượt NV1?

Hầu hết các trường tốp trên đều lấy 100% chỉ tiêu từ đợt xét tuyển đầu tiên. Tuy nhiên với mức điểm từ 20 trở xuống, TS vẫn còn rộng cửa ở những trường tốp giữa. Tính đến chiều 20-8, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường còn rất nhiều ngành thiếu hồ sơ. Cụ thể, ngành khí tượng học tuyển 60 chỉ tiêu, hiện mới có 23 hồ sơ, ngành thủy văn có 20 hồ sơ/120 chỉ tiêu, ngành kỹ thuật trắc địa bản đồ có 15 hồ sơ/180 chỉ tiêu, ngành kỹ thuật địa chất 9 hồ sơ/120 chỉ tiêu, ngành khí tượng thủy văn biển có tới 1 hồ sơ/60 chỉ tiêu.

Cùng cảnh ngộ, tại ĐH Huế, ngành sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển 10 chỉ tiêu nhưng chỉ nhận được 6 hồ sơ; ngành Hán – Nôm Trường ĐH Khoa học tuyển 5 chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ nộp vào, ngành đông phương học 2 hồ sơ/10 chỉ tiêu; lịch sử 2 hồ sơ/18 chỉ tiêu; văn học 2 hồ sơ/25 chỉ tiêu. Đặc biệt, phân hiệu ĐH Huế ở Quảng Trị tuyển sinh 380 chỉ tiêu ở 15 ngành đào tạo nhưng mới nhận được 24 hồ sơ.

Bên cạnh các trường ngoài công lập, các trường ĐH vùng, ĐH địa phương cũng rơi vào trình trạng thiếu TS do các em phần lớn tập trung vào các trường ĐH lớn. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc rút hồ sơ chỉ xảy ra ở một số trường lớn, có sức hút TS cao, thống kê chỉ có khoảng 30-40 trường, tức khoảng 1/10 tổng số trường ĐH, CĐ trên cả nước. Thứ trưởng Ga cũng cho hay sau khi kết thúc đợt tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức họp để trao đổi rút kinh nghiệm với sự góp mặt của các sở, trường và nhiều chuyên gia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo