Đến ngày 25-12, thêm nhiều trường ĐH trên cả nước công bố chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh năm 2023.
Tăng chỉ tiêu, thêm phương thức xét tuyển
Với mục đích mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc những khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y dược cũng như phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thông báo điều chỉnh cấu trúc, nội dung đề thi đánh giá tư duy, áp dụng từ năm 2023.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội
Theo đó, bài thi tư duy diễn ra trong 150 phút - ít hơn 120 phút so với cấu trúc cũ. Các câu hỏi của cả 3 phần thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, tổng điểm 100 thay vì kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận như năm trước. Cấu trúc đề thi đánh giá tư duy mới cũng không còn bài tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và tiếng Anh, riêng phần thi toán học và tư duy đọc hiểu vẫn như năm trước. So với năm 2022, đề thi mới không còn phần lựa chọn nên thí sinh bắt buộc tham gia toàn bộ 3 phần của đề thi.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thi nhiều đợt, địa điểm khác nhau và thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi này.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay năm 2023 sẽ sử dụng 4 phương thức xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu cụ thể: Xét tuyển thẳng 2%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội 3%; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 25% và 70% còn lại xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Phương thức xét tuyển kết hợp áp dụng cho tất cả 60 mã ngành. Trường này tuyển 6.200 chỉ tiêu đại học chính quy.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết năm 2023, Trung tâm Khảo thí của ĐH này tiếp tục triển khai 12 đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành. Thời gian đăng ký giữa 2 đợt cách nhau 4 - 6 tuần, thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2-2023.
Theo Trường ĐH Thủy Lợi, năm 2023 trường sẽ tuyển sinh tổng 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Trường dự kiến có thêm 2 ngành là ngôn ngữ Hàn và ngôn ngữ Trung. 5 phương thức tuyển sinh của trường là xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển kết hợp với kết quả học THPT; xét tuyển dựa trên kết quả học THPT; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Phạt bổ sung, yêu cầu khắc phục hậu quả nếu vi phạm
Theo quy định, các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh của năm trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo…
TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết cơ quan này đã xử phạt hành chính 78 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu của mùa tuyển sinh 2021. Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT (tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học lẫn thạc sĩ), Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi...
Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, một số cơ sở đào tạo còn bị xử lý vì tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, dù chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình.
Ông Nguyễn Đức Cường cho hay mức xử phạt chính bằng tiền trong lĩnh vực giáo dục cao nhất là 150 triệu đồng với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân. Mức phạt tiền này là nhẹ nên có thể tính răn đe thấp. Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh bên cạnh hình thức xử phạt chính còn có hình phạt bổ sung.
Theo quy định hiện hành, trường ĐH vi phạm không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng về tuyển sinh, cơ sở giáo dục ĐH vi phạm về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì thế, việc áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường ĐH vi phạm sẽ có tính răn đe cao.
Nhận xét về cơ chế giám sát việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, ông Nguyễn Đức Cường cho biết hằng năm, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng kế hoạch và lựa chọn một số cơ sở đào tạo để kiểm tra về công tác tuyển sinh, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định.
Tăng cường thanh tra nội bộ
"Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ quy định về công tác tuyển sinh để tổ chức thực hiện tại đơn vị mình đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường công tác thanh tra nội bộ để phát hiện sớm những hạn chế, thiếu sót hay vi phạm của nhà trường nhằm có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Hệ thống thanh tra bộ, sở sẽ thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm sai phạm của các cơ sở đào tạo theo quy định pháp luật" - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Bình luận (0)