Là một giáo viên lâu năm, tôi rất tán đồng về dự thảo Thông tư Khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới công bố: không đuổi học và cảnh cáo học sinh trước tập thể.
Học trò nào chẳng một lần phạm lỗi
Đuổi học vĩnh viễn có nghĩa là đã dìm cuộc đời các em xuống bùn đen. Đuổi học một vài tuần làm cho các em học yếu hơn, không theo kịp chương trình rồi cũng dẫn tới nghỉ học. Còn cảnh cáo trước tập thể - còn có hình thức cảnh cáo dưới cờ - làm học sinh mất thể diện, không còn ý chí phấn đấu, bỏ mặc, buông xuôi.
Hãy xác định học sinh phạm lỗi là tất yếu, con người có ai không phạm lỗi đâu! Phải tùy từng hoàn cảnh phạm lỗi, tùy từng loại lỗi và cá tính, học lực của từng em mà chúng ta có cách xử lý khác nhau. Làm sao cho thấu tình đạt lý, để cho các em tâm phục khẩu phục chứ không phải là khẩu phục mà tâm kháng, ấm ức quyết phạm lỗi lần sau đố thầy, cô bắt được vì thiếu tang chứng vật chứng.
Nhiều thay đổi trong quy định về khen, phạt học sinh khiến giáo viên cân nhắc hơn trước lỗi lầm của học trò .Ảnh: TẤN THẠNH
Các lỗi muôn thuở tuổi học trò ai cũng một lần vi phạm: nói chuyện, đi trễ một vài bữa, làm "con chuồn chuồn" một vài tiết, viết giấy dán lên lưng bạn những câu đùa nghịch, ăn vụng đôi ba lần, trong giờ học tự nguyện làm nhân viên bưu tá cho bạn khác, thỉnh thoảng làm ngơ lời thầy dặn, vác cặp tới lớp mà bài tập chưa làm... Những lỗi này có tính chất đặc trưng lứa tuổi - giống như già thì hay quên, tóc thường hay bạc - nếu các em chỉ có tính chất dạo chơi thay đổi khẩu vị thì nên tha bổng cho "trắng án", cười trừ cho qua. Còn nếu lặp lại nhiều lần có hệ thống trở thành thói quen thì mới sử dụng những biện pháp cần thiết. Nhưng nên giúp các em nhận thức sửa chữa.
Yêu thương chứ không phải trừng phạt
Hình thức phổ biến tôi sử dụng khi các em phạm lỗi là chép phạt nếu như các em chưa chuẩn bị bài tập, đi trễ. Những em nói chuyện nhiều phạt dành cho cả một tuần lau bảng, nếu làm không tốt phạt thêm tuần nữa hoặc là bắt đọc thêm 3 cuốn sách trong 1 tuần. Những em phạm lỗi thuộc cố ý hay do tính cách thì nên dùng hình thức tâm sự riêng cô trò, tìm hiểu hoàn cảnh. Nhưng có những lúc cần phải có sự trợ giúp của tập thể, vì ở lứa tuổi các em, bạn bè rất quan trọng. Tôi còn nhớ có em thường xuyên đi trễ và nghỉ học tùy hứng. Dù cô trò tâm sự nhưng vẫn không hiệu quả. Giờ sinh hoạt lớp, tôi dặn riêng lớp trưởng đưa vấn đề của bạn đó ra góp ý chung để bạn tự nguyện trình bày, cả lớp cùng góp chung tiếng nói. Cô giáo chủ nhiệm đứng ngoài cuộc quan sát. Kết quả tôi thấy rất hữu hiệu. Em học sinh đó không còn nghỉ học và đi trễ nữa.
Tâm lý thầy cô muốn môn của mình dạy học sinh đều phải chăm, giỏi. Nhưng học sinh không phải siêu nhân mà chỉ người thường bị xô lệch bởi sở thích - thích môn nào học môn đó, môn nào thi ĐH thì mới đầu tư cho "ra ngô ra khoai" không thì bỏ mặc cho con tạo vần xoay con điểm. Không thể đáp ứng được tâm huyết và lòng mong muốn vô bờ về môn học của thầy cô nên dẫn đến việc thầy cô thất vọng, hay la mắng và xử phạt học sinh. Và sổ đầu bài là nơi trút giận, là "hồ sơ thần chết" cho học sinh khi xếp loại hạnh kiểm. "Bút sa gà chết" và chỉ học trò ở trường chịu trận. "Lỗi" này mong thầy cô sớm bỏ qua cho con trẻ.
Đối với những lỗi: trộm cắp, nói dối để bao che cho mình và đổ lỗi cho người khác, tục tĩu, bạo lực..., cần phải bao dung và lắng nghe từ nhiều phía để có sự công bằng. Giáo dục cần phải biết dung thứ và cần quá trình lâu dài. Rất mong với sự thay đổi trong quy định xử phạt và khen thưởng, thầy cô cũng thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của mình khi học trò phạm lỗi.
Dù có lỗi, cũng không phải "tội đồ"
Dự thảo Thông tư Khen thưởng, kỷ luật học sinh vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ không còn hình thức đuổi học, khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Thay vào đó, các hình thức kỷ luật tích cực sẽ được áp dụng nhằm hướng đến môi trường học đường giàu tính nhân văn.
Là một nhà giáo cũng là một phụ huynh có con đang tuổi đến trường, tôi hoàn toàn ủng hộ những điểm mới tích cực trong dự thảo. Đuổi học - hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh đã tồn tại suốt từ năm 1988. Thời ấy, học sinh bị đuổi học sẽ giao về cho gia đình quản lý và giáo dục, thông thường sẽ theo bố mẹ tham gia hình thức lao động kiếm thu nhập nên ít nhiều sẽ "thức tỉnh" và nhận ra cái sai trong nhận thức, lỗi lầm trong hành động của mình.
Còn bối cảnh hiện tại lại là một trở ngại không nhỏ cho bọn trẻ khi bỗng dưng trở thành "triệu phú thời gian". Game online, thế giới mạng, sự la cà lêu lổng đều tiềm ẩn nhiều rủi ro bủa vây những đứa trẻ vừa mới bị đẩy ra khỏi cánh cổng trường.
Đuổi học một thời gian và xa rời việc học ít lâu, bao nhiêu đứa trẻ sẽ quay lại con đường học hành? Những mặc cảm, tự ti vô tình đeo bám khiến không ít trẻ dễ dàng từ bỏ hẳn việc học. Nếu quay trở lại trường lớp, bọn trẻ từng gánh án "bị đuổi học" sẽ rơi vào hai tình huống: thu mình lại trong vỏ bọc riêng hoặc là "xù lông" gai góc, bặm trợn hơn trước. Vậy là hình thức đuổi học vốn được xem là phương pháp giáo dục lại biến thành vật cản trên con đường uốn nắn nhân cách học sinh.
So với hình thức kỷ luật đuổi học thì khiển trách, phê bình học sinh trước lớp, trước trường lại được sử dụng thường xuyên trong nhà trường phổ thông hơn. Thật tình, chính nó đã làm cho tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ trở nên căng thẳng, nặng nề hơn bao giờ hết bởi tên học sinh vi phạm cứ vang lên trong tiếng loa vượt ra khỏi cánh cổng trường.
Hình ảnh bọn trẻ bị bêu tên đứng trước bảng đen trong lớp hay "chào cờ" trước hàng trăm ngàn cặp mắt của học sinh toàn trường đã từng là một hình thức giáo dục dành cho học sinh vi phạm nhiều lần, thiếu tiến bộ và không sửa chữa sai lầm. Nhưng trong thời đại 4.0 này, hình ảnh ấy không chỉ dừng lại ở những giây phút phê bình, khiển trách chớp nhoáng ấy mà rất có thể sẽ bêu xấu trò với cả thế giới và lưu lại ký ức xấu xí trên không gian mạng đến mãi mãi.
Tôi từng nghe tâm sự của không ít người về khoảnh khắc trở thành "tội đồ" đứng giữa sân trường nghe thầy kể tội và mấy trăm học sinh bên dưới chỉ trỏ, xầm xì, bàn tán. Cảm giác đáng sợ ấy biến thành nỗi ám ảnh đeo đẳng vào giấc mơ và hóa thành sự mặc cảm kéo dài suốt nhiều năm liền. "Di chứng" tinh thần của hình thức kỷ luật khiển trách, phê bình trước lớp, trước trường quả là nặng nề!
Kỷ luật học sinh nhằm giáo dục các em nhận ra cái sai và uốn nắn vào khuôn nếp. Tuy nhiên, rõ ràng là hình thức đuổi học và phê bình, khiển trách trước lớp, trước trường đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Đó không còn đơn thuần là hình phạt mà là sự trừng phạt.
Giáo dục học sinh không phải là một gánh nặng và dẫu các em có vi phạm, lầm lỗi thì cũng không phải là tội đồ! Vậy nên, không có lý do gì mà chúng ta không xóa bỏ các hình thức kỷ luật đã xa lắc xa lơ ấy!
Nguyễn Thị Thùy Trang
Bình luận (0)