Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố chương trình thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 cấp tiểu học. Trong đó, nhấn mạnh việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh (HS) tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là độ tuổi HS đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông.
Cần thực hiện bài bản, thực chất
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, xu hướng giáo dục kỹ năng công dân số cho HS tiểu học đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Việc giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Theo đánh giá từ Bộ GD-ĐT, tại Việt Nam, hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số đã được thể hiện phong phú, đa dạng trong Chương trình GDPT năm 2018 với 3 mạch kiến thức chủ đạo là khoa học máy tính, CNTT - truyền thông và học vấn số hóa phổ thông.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc giáo dục kỹ năng công dân số cho HS cần phải thực hiện một cách bài bản, khoa học và thực chất. Nếu HS được giáo dục tốt, có kỹ năng sử dụng CNTT một cách an toàn thì CNTT - truyền thông sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong quá trình học tập, tìm kiếm tri thức, phát triển tư duy. HS cũng rất cần được học về cách sử dụng và giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của CNTT - truyền thông…
Thí điểm tại 44 trường tiểu học ở TP HCM
Tại TP HCM, một trong các địa phương thực hiện thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho HS tiểu học, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, chương trình sẽ được thực hiện thí điểm tại 44 trường tiểu học ở thành phố. Sở triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho HS tiểu học từ học kỳ II năm học 2023 - 2024.
Nói thêm về chương trình thí điểm này, ông Quốc cho biết mỗi quận, huyện sẽ có 2 trường tiểu học thực hiện chương trình giáo dục kỹ năng công dân số. Đến năm học 2024 - 2025, chương trình này sẽ được triển khai tại 100% trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Theo ông, việc giáo dục kỹ năng công dân số cho HS tiểu học tại TP HCM sẽ được thực hiện qua 4 hình thức: Dạy học môn tin học thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học; dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số; tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, sở cũng yêu cầu các giáo viên khi giảng dạy cần kết hợp và trực tiếp phát triển 3 năng lực chung cho HS: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ngoài ra, sở cũng hướng dẫn các nhà trường cần áp dụng những phương pháp dạy học tích cực trong quá trình giáo dục kỹ năng công dân số. Trong đó, khuyến khích giáo viên sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để phát huy khả năng làm việc nhóm, khả năng tự học và tính chủ động của HS; yêu cầu HS không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn phải biết kiểm chứng hiệu quả của giải pháp thông qua sản phẩm số. Với một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề thì không nhất thiết phải sử dụng máy tính...
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP HCM, trong tháng 3-2024, sở sẽ tập huấn cho giáo viên về giáo dục kỹ năng công dân số. Sau đó, các trường sẽ thực hiện thí điểm.
KDC Education - Tiên phong đào tạo kỹ năng công dân số
Nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng công dân số, từ năm 2021, KDC Education đã tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng các nội dung này vào giảng dạy. Với đội ngũ là các chuyên gia về tâm lý học, kỹ năng sống, STEM, được đào tạo bài bản bởi các tổ chức quốc tế như Common Sense, Digital Respons-Ability (Mỹ), KDC Education tự tin đồng hành với nhà trường, phụ huynh và học sinh trong việc đẩy mạnh giáo dục kỹ năng công dân số.
Bình luận (0)