xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục TP HCM chuyển mình mạnh mẽ sau 10 năm

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013, ngành giáo dục và đào tạo TP HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cần có thêm những giải pháp mang tính đột phá hơn để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của thành phố

Chiều 9-1, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/ 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên

Báo cáo của Thành ủy TP HCM cho thấy trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD-ĐT TP HCM đã thực hiện đổi mới có hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. TP HCM đã triển khai các chế độ, chính sách đặc thù nhằm thu hút đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức của ngành được hưởng chế độ thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND thành phố; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông dân lập, tư thục hưởng các chế độ theo Nghị quyết 01.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị chiều 9-1

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị chiều 9-1

Trong giai đoạn 2013-2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GD-ĐT trên tổng chi ngân sách thành phố hằng năm đạt tỉ lệ từ 20% đến 31%, bình quân đạt khoảng 24%, bảo đảm tỉ lệ tối thiểu 20% so với chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2013-2022, thành phố đã hoàn thành xây dựng 10.000 phòng học, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh; thực hiện các chính sách tín dụng ưu tiên, học bổng, hỗ trợ tài chính cho các đối tượng chính sách. Qua 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD-ĐT đã có những mô hình hay. Cụ thể toàn ngành tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở GD-ĐT. Mô hình Trường THPT chất lượng cao; mô hình trường học thông minh đáp ứng mục tiêu giáo dục học sinh năng động. Cùng với đó, thực hiện mô hình lớp học số, triển khai thí điểm trong năm học 2022-2023 tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học. Năm học 2022-2023, thực hiện thành công đề án thí điểm thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng tại các trường THPT thuộc 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ.

TP HCM cũng đã chỉ đạo quyết liệt và có nhiều giải pháp cụ thể hiệu quả để hạn chế những tiêu cực nảy sinh, nhất là trong công tác tuyển sinh đầu cấp, kịp thời chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến việc dạy thêm - học thêm tràn lan tiêu cực gây bức xúc dư luận. Ngành GD-ĐT thành phố thực hiện đổi mới có hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức các tiết học mở, triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế…

Gấp rút triển khai nhiều giải pháp

TP HCM cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên hằng năm chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Công tác quy hoạch quản lý mạng lưới trường lớp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa đạt, chỉ tiêu tiến độ xây dựng trường học phòng học mới còn nhiều hạn chế, vướng mắc chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập hằng năm, sĩ số học sinh trên lớp còn cao so với quy định...

Theo Thành ủy TP HCM, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất Trung ương xem xét ban hành chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm giúp các địa phương thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, xây dựng chế độ chính sách đặc thù cho đội ngũ nhà giáo theo đúng Nghị quyết 29 đã nêu: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành một số chính sách, chế độ đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Đối với bậc đại học, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết với tầm nhìn và sứ mạng của ĐHQG TP HCM, việc hợp tác quốc tế được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng. Theo ông Chính, việc hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm tốt, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn tài trợ. Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học nâng tầm vị thế ĐHQG TP HCM. Để thực hiện mục tiêu trên, ĐHQG TP HCM triển khai các giải pháp như mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác uy tín trên thế giới. Đẩy mạnh liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế, tham gia nhiều dự án quốc tế quan trọng nhằm nâng tầm giáo dục ĐH. 

Đổi mới từ tư duy, phương pháp

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những kết quả mà ngành GD-ĐT thành phố đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Một kết quả lớn mà thành phố đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đó là có sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo xu thế của thời đại và gìn giữ cốt cách truyền thống khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc mình. "Nhận thức rằng không chỉ có trách nhiệm với trên 10 triệu dân thành phố, mà còn có trách nhiệm đối với vùng, miền và cùng cả nước, vì cả nước, nên thành phố đã triển khai các chương trình, chiến lược, kế hoạch phối hợp hành động với nhiều nội dung mang tính chia sẻ, hỗ trợ rất cao" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, thành phố cũng đã triển khai nhiều mô hình mới tiếp cận sáng tạo mang tính đột phá; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục thông minh, giáo dục mở phục vụ cho xã hội học tập suốt đời. Công tác giáo dục truyền thống, nhân cách đạo đức cho học sinh, sinh viên ngày càng chú trọng, chú trọng ngày càng nhiều hơn, kết hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng còn nhiều khó khăn, bất cập mà thành phố cần phải giải quyết. Đó là việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm gặp không ít khó khăn, thách thức. "Việc phân luồng học sinh, đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế; việc đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại cho giáo dục, cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là việc cải thiện chế độ tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ giáo dục vẫn còn là nỗi lo của chúng ta" - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước hết là cần đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và tính dũng cảm thay đổi từ đội ngũ cán bộ quản lý đến ngành giáo dục; cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo. Sự gương mẫu luôn là mệnh lệnh, là nhân tố cực kỳ quan trọng tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

"Một trong những vấn đề mà lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở đó là chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo, làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, có tâm huyết với nghề sư phạm, chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của nhà giáo. Chúng ta phải nghiên cứu và đề xuất cho lãnh đạo thành phố các cơ chế chính xác để cải thiện, tạo điều kiện, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.

Đổi mới thi cử là khâu đột phá

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ông Nguyễn Bảo Quốc, năm 2014 là năm đầu tiên toàn ngành GD-ĐT thành phố triển khai Nghị quyết 29. Đổi mới thi cử là khâu đột phá và hàng loạt những điều chỉnh trong thi cử, kiểm tra đánh giá đã được triển khai. Sở GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tập trung thực hiện việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục. Định hướng này giúp nhà trường chủ động xây dựng các hoạt động dạy và học phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là năng lực của học sinh đang học tại trường.

Ngoài ra, tự chủ trong việc lập kế hoạch nhà trường cũng giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo