Ngày 14-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Chuyển biến nhanh, bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh Nghị quyết 29/2013 có vai trò đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Sau 10 năm triển khai nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và 18 bộ, ngành, cơ quan trung ương, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, hoàn thiện và gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013.
"Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013 được Bộ GD-ĐT tổ chức với mong muốn cùng các bộ, ngành, địa phương nhận diện một cách khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh GD-ĐT cả nước 10 năm qua. Trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD-ĐT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, điểm nhấn trong quá trình triển khai Nghị quyết 29/2013 là đã hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT. Chất lượng GD-ĐT được nâng cao; Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất; số công trình khoa học được công bố trong nước, quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và dạy học, chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả...
Đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 29/2013. Trong đó, việc thiếu cơ chế, chính sách ưu tiên cho GD-ĐT chưa thể hiện được quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu khiến nhiều địa phương tâm tư.
Cụ thể, tuy số lượng giáo viên mầm non, phổ thông 10 năm qua đã tăng nhưng vẫn còn tình trạng thiếu thầy cô ở nhiều nơi do số học sinh tăng nhanh, trong khi địa phương phải tinh giản biên chế theo lộ trình cắt giảm tối thiểu 10% từ năm 2015 - 2021. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa các vùng, miền.
Đáng chú ý, lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 29/2013, chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng lớn. Điều này dẫn tới tình trạng nghỉ việc của giáo viên có xu hướng tăng, nhất là thầy cô trẻ. Bên cạnh đó, nhận thức, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự tạo được môi trường thúc đẩy đổi mới, sáng tạo...
Tại hội nghị, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, phản ánh tỉnh vẫn còn thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1.029 giáo viên so với định mức quy định. Với TP Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT, kiến nghị sửa đổi một số nội dung liên quan giáo dục trong Luật Thủ đô. Ông đề nghị bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên và không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.
Cũng kiến nghị không cắt giảm 10% biên chế theo lộ trình, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, còn góp ý nhà nước ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cần bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD-ĐT tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh.
Các ý kiến tại hội nghị còn chỉ rõ đầu tư cho GD-ĐT hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển. Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này chưa bảo đảm mức tối thiểu 20% theo yêu cầu của Nghị quyết 29/2013 và Luật Giáo dục năm 2019.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. "Dù đất nước còn nhiều khó khăn, ngành giáo dục cần được ưu tiên đầu tư hơn nữa" - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Kiến nghị xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo
Một trong 5 đề xuất, kiến nghị mà Bộ GD-ĐT trình Bộ Chính trị là xem xét chỉ đạo theo hướng cân nhắc tính đặc thù trong tinh giản biên chế đối với ngành GD-ĐT, bảo đảm nguyên tắc "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên". Tăng số lượng biên chế viên chức ngành GD-ĐT đủ để thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm chất lượng giáo dục; không cắt giảm cơ học 10% chỉ tiêu biên chế; chỉ tiêu biên chế giao hằng năm phù hợp với quy mô học sinh; bảo đảm đủ định mức giáo viên của các cấp học theo quy định, có tính đến đặc thù vùng, miền một cách phù hợp...
Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Bộ Chính trị giao Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo. Trước hết là xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo; thực hiện chủ trương lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 29/2013 khi thực hiện chính sách tiền lương mới; giáo viên được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi nghề và các chính sách ưu đãi khác, như chính sách về nhà ở, nhà công vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút...
4 giải pháp của TP HCM
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, Nghị quyết 29/2013 đã tạo điều kiện cho ngành GD-ĐT thành phố phát huy thế mạnh về đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ, dám làm cũng như sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29/2023, TP HCM triển khai đồng bộ 4 giải pháp.
Thứ nhất, phát huy tinh thần Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; tiếp tục tham mưu đổi mới cơ chế quản lý giáo dục nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo của thành phố.
Thứ hai, tập trung xây dựng TP HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.
Thứ ba, đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tham mưu xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ; nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên ĐH, tăng số lượng giảng viên được đào tạo tiến sĩ ở các nước có trình độ khoa học cao; đổi mới cơ chế, chính sách tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý; thực hiện quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài...
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học; nâng cấp cơ sở vật chất; phát huy hiệu quả mô hình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".
Bình luận (0)