Thông tin trên được PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não- Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho hay tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM với Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) về phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP, ngày 24-12.
BS Thắng cho biết hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Riêng Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận điều trị gần 1/10 số ca đột quỵ của toàn quốc. Trong năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 17.000 ca đột quỵ, trong đó khoảng 2.000 ca được can thiệp.
"Số bệnh nhân được can thiệp tương đương với tổng số ca của tất cả các bệnh viện ở khu vực phía Nam cộng lại" - BS Thắng nói.
BS Thắng băn khoăn, dù điều trị số lượng bệnh nhân lớn, có đội ngũ bác sĩ giỏi nhưng trang thiết bị, máy móc chưa được đầu tư tương xứng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị. "Nếu không có đầy đủ phương tiện, chúng tôi cũng không thể làm tốt nhất công tác điều trị cho bệnh nhân" - BS Thắng chia sẻ.
Cũng tại cuộc họp, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện TP HCM có 20 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối đang thực hiện nhiệm vụ phát triển y tế chuyên sâu. Ngành y tế TP đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó sản khoa đã giảm tỉ lệ tử vong của sản phụ ở mức rất thấp, nhi khoa cũng giảm được tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Lĩnh vực ngoại khoa cũng phát triển mạnh mẽ, trong đó nhiều kỹ thuật điều trị ngang tầm khu vực và thế giới. Các chuyên khoa nội, đặc biệt là hồi sức tích cực và lọc máu đã cứu sống nhiều ca bệnh khó, điều này cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong công tác y tế của TP HCM.
BS Dũng cũng nhận định dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngành y tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
"Câu chuyện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề lớn. Trong 5 năm qua, TP HCM đã triển khai hơn 20 dự án phát triển y tế, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị hiện đại, như các hệ thống phẫu thuật robot. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong quá trình phát triển y tế chuyên sâu, điển hình là tình trạng quá tải bệnh nhân.
Hiện tại, TP HCM đang phục vụ khoảng 50% số bệnh nhân từ các tỉnh và khu vực phía Nam. Đặc biệt, các chuyên khoa đặc thù như nhi khoa và ung bướu đang tiếp nhận gần 80% bệnh nhân đến từ tuyến tỉnh. Các trung tâm chuyên sâu đã phần nào giải quyết vấn đề quá tải nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về nguồn lực, BHYT và các kế hoạch để giải quyết tình trạng này. Hệ thống bệnh viện tự chủ trong điều kiện viện phí chưa tính đúng, tính đủ cũng gặp không ít khó khăn.
BS Dũng cũng cho biết một trong những đề xuất quan trọng là cần phải xây dựng giá viện phí phù hợp và tuân thủ quy định của Bộ Y tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là điều dưỡng cần phải được chú trọng hơn. Các nhân lực điều dưỡng hiện nay đã được đưa vào kế hoạch phát triển nghề nghiệp và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế cho đến năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu này, TP HCM có thể thí điểm các loại hình điều dưỡng mới, tăng cường số lượng điều dưỡng chất lượng cao.
Hiện nay, yêu cầu đối với điều dưỡng viên là phải có trình độ cử nhân ĐH trở lên. Tuy nhiên, trong các cơ sở y tế cần nhiều loại hình điều dưỡng khác nhau, không nhất thiết chỉ có một loại hình duy nhất. Do đó, nghiên cứu các loại hình điều dưỡng, như trợ lý điều dưỡng, với thời gian đào tạo ngắn hơn sẽ giúp nâng cao số lượng điều dưỡng viên, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế.
Về kế hoạch đầu tư, TP HCM dự kiến sẽ đầu tư 54.700 tỉ đồng cho các dự án y tế lớn trong giai đoạn 2026-2030. Các dự án trọng điểm bao gồm xây mới khu khám và điều trị ban ngày cho Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 1.
TP HCM cũng mong muốn được hỗ trợ cho các dự án đầu tư mới, đặc biệt Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần,...
Báo cáo tại buổi làm việc, BSCK2 Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 350 bệnh nhân cấp cứu, 1.500-2.000 bệnh nhân nội trú, thực hiện 50-60 ca phẫu thuật và gần 4.000 bệnh nhân khám ngoại trú. Mục tiêu phát triển thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với các chuyên khoa sâu như thần kinh, tim mạch, thận niệu, can thiệp mạch máu và cấp cứu, mang tầm khu vực.
Bệnh viện là nơi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ hàng đầu cả nước, với hơn 17.000 ca bệnh đột quỵ vào năm 2024. Đặc biệt, bệnh viện đã mở rộng cửa sổ điều trị đột quỵ từ 24 giờ lên 30 giờ và triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID từ năm 2019. Phần mềm này giúp mở rộng "giờ vàng" can thiệp đột quỵ từ 6 giờ lên 24 giờ, cứu sống nhiều bệnh nhân và giúp 48% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.
Bệnh viện cũng góp phần xây dựng mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho 96 đơn vị đột quỵ trên toàn quốc. Ngoài ra, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 ca nhồi máu cơ tim cấp mỗi năm và là một trong những trung tâm ghép tạng lớn thứ hai phía Nam, với 317 ca ghép thận và quản lý hơn 1.000 bệnh nhân chạy thận, lọc màng bụng. Mỗi năm, bệnh viện thực hiện hơn 40.000 lượt chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Bình luận (0)