Năm học 2024-2025, Bình Dương có khoảng 521.000 học sinh, tăng thêm 25.000 em so với năm học trước, riêng khối công lập tăng hơn 17.200 học sinh.
Với việc gia tăng học sinh, Bình Dương tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bình Dương, cho biết năm học mới, Bình Dương thiếu khoảng 3.222 giáo viên theo định mức, các thành phố có dân số đông như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một thiếu hụt nhiều nhất.
Cũng theo bà Hằng, đối với tình trạng thiếu cơ sở vật chất, dù Bình Dương đã dự báo trước tình hình, đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo thêm 12 trường học, tăng thêm 266 phòng học nhưng năm học mới, nhiều trường vẫn không thể bố trí học bán trú cho các em học sinh.
Theo thống kê, Bình Dương hiện có 713 trường học, bao gồm 375 trường công lập và 338 trường ngoài công lập.
Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bình Dương cho rằng để đảm bảo công tác dạy và học, Sở và các địa phương tiếp tục kiến nghị tỉnh ưu tiên vốn đầu tư trang thiết bị để xây dựng thêm trường học, phòng học, đặc biệt là ở các khu vực có dân số cơ học tăng nhanh. Bên cạnh đó là cần tạo cơ chế mở, giải quyết vướng mắc để khuyến khích những tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hoạt động giáo dục.
Đối với thiếu giáo viên, bà Hằng cho hay Sở đã và đang tích cực triển khai công tác tuyển dụng giáo viên, trong đó các huyện, TP được giao quyền tự chủ trong việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Để bổ sung nguồn nhân lực, Sở cũng đang phối hợp Sở Nội vụ để đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép hợp đồng với các giáo viên còn thiếu.
Một số giải pháp khác như điều chuyển giáo viên giữa các trường, các huyện để đảm bảo cân đối nguồn lực; hợp đồng giáo viên thỉnh giảng; tổ chức dạy trực tuyến kết hợp với dạy trực tiếp để tăng hiệu quả giảng dạy...
Bình luận (0)