Người đàn ông ấy là anh Trần Lê Anh Cường (sinh năm 1984; ngụ phường Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Nhiều năm qua, anh lặng lẽ dành thời gian, công sức và cả tiền túi để vá xe, thay ruột miễn phí cho những ai gặp sự cố giữa đường.
Không bơm điện, chỉ có lòng tốt
Cuộc sống của anh Cường chẳng mấy dư dả, đến cả chiếc bơm điện, công cụ tối thiểu của một người vá xe, anh cũng chưa có. Mỗi lần giúp người là một lần nhọc nhằn với chiếc bơm tay. Vợ chồng anh đã tính chuyện dành dụm để sắm chiếc bơm điện giá khoảng 550.000 đồng, nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức "chuẩn bị".
Anh Cường không đi tuyến đường nào cố định, hễ rảnh là chạy lòng vòng, từ nhà vào Hội An hoặc đi quanh trung tâm Đà Nẵng. Gặp ai cần thì dừng lại giúp. Như hôm trước, anh vá miễn phí cho 2 trường hợp bị thủng ruột xe khi họ đang di chuyển ở một đoạn đường vắng, không có tiệm sửa xe.
Không chỉ bơm vá, anh Cường còn tự bỏ tiền túi mua ruột xe các loại để thay mới nếu vết thủng quá lớn. "Loại rẻ khoảng 38.000 đồng/cái, còn loại tốt thì hơn 50.000 đồng. Nhiều trường hợp gặp nạn giữa đường nếu thay ở tiệm thì họ phải trả 40.000 - 50.000 đồng, có khi còn cao hơn. Tôi giúp miễn phí nên họ bất ngờ và ngạc nhiên lắm" - anh Cường chia sẻ.

Anh Trần Lê Anh Cường (bìa phải) vá xe miễn phí tại đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Khánh, TP Đà Nẵng
Chiếc xe cũ kỹ anh chạy hằng ngày để giúp người chỉ đáng giá vài triệu đồng. Phía sau xe, anh lắp sẵn thùng đồ nghề, ruột xe, bơm tay, mọi thứ được chuẩn bị tươm tất để bất cứ lúc nào cũng có thể dừng lại hỗ trợ người đi đường
Anh kể có hôm đi làm về, đang chạy ngang khu vực cầu Tuyên Sơn thì gặp một người đàn ông lớn tuổi đứng cạnh chiếc xe hết xăng. Không cần suy nghĩ, anh dừng lại, lấy xăng trong bình mang theo tặng người ấy. "Cũng có người từ chối khéo nhưng cũng có người xúc động, cảm ơn vì được hỗ trợ. Tôi không để lại số điện thoại và cũng không nhận đồng nào" - anh Cường nói. Anh Cường luôn trữ sẵn nhiều chai xăng loại 500 ml, hễ gặp ai dắt bộ do hết xăng hoặc gặp người bán hàng rong khốn khó thì hỗ trợ.
Khi được hỏi về động lực đằng sau những việc làm ý nghĩa nói trên, anh chỉ cười. Với anh, giúp người là cách để gieo phước.
Còn sức là còn giúp người
Chi phí sắm đồ nghề, ruột xe, xăng xe đi lại, anh Cường đều tự lo. May mắn là anh luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình và người thân. Vợ anh không những không phàn nàn mà còn động viên. "Anh em bên nội, bên ngoại, hàng xóm biết chuyện cũng ủng hộ, lâu lâu có người gửi cho cái ruột xe, chai xăng hay mớ đồ nghề" - anh nói. Vợ chồng anh bảo nhau rằng còn sức thì cứ giúp người.
Trước đây, anh Cường từng làm nghề sửa xe. Gia đình anh rất nghèo, từng sống bằng nghề bán cá, bán xăng vỉa hè. Hiện anh sống bằng nghề dựng rạp, lắp bóng đèn thuê cho các ngôi chùa. Dù bận rộn đến đâu nhưng nếu thấy ai đó cần giúp trên đường, anh sẵn sàng dừng lại.
Đà Nẵng những ngày nắng cháy, anh Cường vẫn cần mẫn với "hành trình thiện nguyện" của mình. Việc anh làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn trong đời sống cộng đồng, nhất là khi thành phố ngày càng đông đúc, bận rộn và không phải ai cũng sẵn lòng giúp người lạ.
Anh chia sẻ nếu có thể, anh muốn duy trì việc làm này lâu dài. "Ngày nào còn sức khỏe thì tôi còn đi. Dù không giúp được nhiều người nhưng nếu ai đó đang gặp khó, tôi sẽ không quay lưng" - anh Cường bộc bạch.
Ở tuổi 40, khi nhiều người nghĩ đến sự ổn định và lo toan cơm áo, anh Cường lại chọn cách sống khác, lặng lẽ nhưng nhân nghĩa. Không biển hiệu, không đồng phục, chỉ một người, một xe cùng một trái tim nhân hậu.
Bình luận (0)