Hai bệnh nhi là con của sản phụ T.Q. (18 tuổi, người dân tộc S’tiêng, ngụ Bình Phước), chào đời ngày 24-7 khi mới khoảng 22-23 tuần tuổi. Trước đó, thai phụ này không có điều kiện theo dõi chặt chẽ nên không biết được tình trạng dị tật của các con. Sau sinh, các bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tìm phương án điều trị. Tại đây, kết quả thăm khám cho thấy các bé may mắn không có dị tật ở tim, phổi, não, tuy nhiên một bé hơi yếu hơn do có khiếm khuyết vùng mạn sườn. Nhìn bên ngoài, các bé dính nhau ở vùng mông, tuy nhiên qua kết quả MRI, dù các bé may mắn không bị dính nhau ở tủy sống nhưng có thể dính ở vùng bao tủy, ca mổ tách tiên lượng sẽ phức tạp và nhiều nguy cơ.
Theo ThS-BS Nguyễn Thanh Trúc, phụ trách khối Ngoại – phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, song sinh dính nhau là một dị tật hiếm gặp, có tỉ lệ vào khoảng 1/50.000 đến 1/200.000 các ca sinh, thường gặp nhiều hơn ở vùng Đông Nam Á và Châu Phi. Trong đó, trường hợp dính nhau vùng mông – cùng cụt chiếm dưới 20% các ca song sinh dính nhau.
Nếu được mổ tách, tuy nguy cơ tử vong không cao nhưng do nghi ngờ phần dính liền có liên quan đến bao tủy, nên có thể xảy ra biến chứng tiêu tiểu không tự chủ và não úng thủy. Theo BS Trúc, các bác sĩ sẽ cố gắng áp dụng các phương pháp hiện đại nhất để hạn chế tối đa các biến chứng này. Nếu tình huống xấu xảy ra – có biến chứng – thì vẫn có cách để giải quyết tình hình bằng các cuộc phẫu thuật khác. Các bé cũng cần phẫu thuật để tái tạo hậu môn bởi hiện tại cả hai không có hậu môn hoàn chỉnh mà chỉ có đường dò.
Do mẹ các cháu còn quá trẻ, lại thường xuyên trở về quê nên hầu như trong thời gian qua, các bé được các nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Hoàn cảnh gia đình của cha mẹ các bé cũng khó khăn, mẹ không đủ sữa nên phía bệnh viện đã vận động các nguồn trợ giúp xã hội để mua sữa và chi trả chi phí điều trị.
Bình luận (0)