xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ hồn sử thi Tây Nguyên

CAO NGUYÊN - HOÀNG THANH

Nhiều nghệ nhân mong mỏi nhà nước có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để mở các lớp truyền dạy bài bản thì sử thi Tây Nguyên mới có thể trường tồn.

1. Chúng tôi đến xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk - nơi được xem là cái nôi sử thi, di sản văn hóa tinh thần của cộng đồng Ê Đê - trong những ngày giáp Tết. Theo anh Y Tuynh Byă, công chức văn hóa xã Ea Tul, địa phương chỉ còn 2 người có thể kể khan sử thi thuần thục.

Một trong 2 người này là ông Y Wang Hwing, nghệ nhân ưu tú duy nhất của Ea Tul.

Ông Y Wang Hwing cho biết từ lúc 15 tuổi đã say mê nghe già làng kể khan. Dù tiếp thu nhanh nhưng ông cũng chỉ thuộc được một phần của 4 bộ sử thi trong tổng số khoảng 80 sử thi của người Ê Đê.

Theo ông Y Wang Hwing, các sử thi thường tôn vinh những người có công với buôn làng; đề cao sự mưu trí, dũng cảm; ca ngợi tinh thần đoàn kết; lên án điều trái đạo lý, luật tục. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình. Trong đó, "Đam San" ca ngợi chàng thanh niên dũng mãnh đã đánh đuổi thú rừng, bảo vệ cuộc sống buôn làng, chống lại luật tục lạc hậu...

CNguyen - HThanh anh 2.jpg

Đến nay, ông A Jar đã biên dịch gần 50 sử thi Tây Nguyên

Để bảo tồn kho sử thi Ê Đê, những năm qua, ngành văn hóa và chính quyền địa phương đã mở nhiều lớp truyền dạy. Mỗi dịp tổ chức các hoạt động văn hóa, địa phương cũng thường lồng ghép, tạo môi trường, không gian nghệ thuật để sử thi được diễn xướng.

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND huyện Cư M'gar tổ chức lớp diễn xướng, truyền dạy sử thi Ê Đê tại xã Ea Tul. Lớp có 20 học viên là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên Ê Đê; nghệ nhân Y Wang Hwing cũng tham gia giảng dạy.

Những năm qua, ông Y Wang Hwing đã có nhiều dịp truyền dạy sử thi. Các lớp học do địa phương tổ chức, ông đều tham gia giảng dạy. Thế nhưng, ông cho rằng kết quả không được như mong muốn do thời gian quá ngắn, học viên làm các công việc khác nhau, không thực sự chuyên tâm học sử thi. Học sử thi khó hơn nhiều người nghĩ; không gian để trau dồi, tập luyện cũng ngày càng hạn chế.

Năm 2004, Viện Nghiên cứu văn hóa mở lớp với 11 người học nhưng nghệ nhân Y Wang Hwing "chỉ đào tạo được một người". Đó là ông Y Đhin Niê, 56 tuổi, đến nay đã có thể biểu diễn, truyền dạy sử thi. Với các lớp học mới đây, do đi làm, đi học... nên nhiều người không thường xuyên luyện tập. "Thanh thiếu niên giờ học kể khan chậm lắm. Các cháu hát ca khúc hiện đại thì hay nhưng kể sử thi thì không được" - ông trăn trở.

Theo nghệ nhân 75 tuổi này, học sử thi rất khó. Người có năng khiếu, trí nhớ tốt và tập trung tâm trí mới có thể nhớ trọn vẹn một vài bộ sử thi đồ sộ.

"Năm 2014, khi sang Phần Lan biểu diễn, già hát kể sử thi 10 giờ liền. Nhưng sau một cơn bạo bệnh, phải cắt mất một đoạn chân, già bây giờ yếu lắm. Già sợ rằng những kiến thức, hiểu biết của mình về sử thi rồi sẽ mai một" - ông Y wang Hwing lo lắng...

Đến nay, huyện Cư M'gar đã có 7 bộ sử thi được ghi âm và phổ biến trong cộng đồng Ê Đê, trong đó 3 bộ được biên dịch và xuất bản năm 2010. Lan tỏa sâu rộng nhất trong số này là sử thi "Đam San".

2.Trong căn nhà đối diện nhà rông làng Plei Don ở TP Kon Tum, tỉnh Gia Lai, ông A Jar dù đã 77 tuổi song hằng ngày vẫn miệt mài bên chiếc bàn làm việc cũ kỹ, đầu đeo tai nghe, tay liên tục ghi chép những câu sử thi.

Là người Xê Đăng nhưng từ những năm tiểu học, ông A Jar đã biết tiếng Ba Na. Khi lấy vợ là người Ba Na, vốn từ của ông càng phong phú. Lúc còn làm hội thẩm nhân dân, ông thường được nhiều người nhờ dịch từ tiếng Ba Na, Xê Đăng ra tiếng Việt.

Ông A Jar bén duyên với sử thi từ những năm 2000, khi tham gia dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch, xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên" của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Sau khi các nghệ nhân hát kể sử thi bằng tiếng Ba Na, Xê Đăng và ghi âm, ông có nhiệm vụ biên dịch lại.

"Lúc đầu, tôi nghĩ việc biên dịch sử thi là ngoài khả năng của mình. Tuy nhiên, nhờ được động viên và qua sự cố gắng của bản thân, tôi nhận thấy mình có thể làm được" - ông A Jar nhớ lại.

CNguyen - HThanh anh 1.jpg

Nghệ nhân ưu tú Y Wang Hwing, một trong số ít người có thể kể khan sử thi thuần thục hiện nay. Ảnh: BẢO AN - HOÀNG THANH

Biên dịch sử thi mất rất nhiều thời gian. Cố gắng lắm, mỗi năm ông A Jar cũng chỉ có thể hoàn tất được 4 bộ. Trước đây, khi chưa có điện thoại, lúc gặp những từ khó, ông phải lặn lội tìm đến các nghệ nhân hát kể sử thi để hỏi cho rõ nghĩa.

Đến năm 2005, khi dự án nêu trên kết thúc, ông A Jar cộng tác với một người rất đam mê sử thi là TS Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM. TS Dũng bỏ công sức sưu tầm, ghi âm các bài sử thi, còn ông A Jar phiên âm, biên dịch lại.

Hơn 20 năm qua, ông A Jar đã biên dịch trên 35 sử thi của người Ba Na và trên 10 sử thi của người Xê Đăng. Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng với "Dăm Giông" - một bộ sử thi đồ sộ, thể hiện đầy đủ tính cách, cuộc sống của người Ba Na.

Ông A Jar thán phục: "Nghe nghệ nhân hát kể sử thi mới thấy được cái hay, độc đáo trong từng câu chuyện. Sử thi kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật, là sự kết hợp những câu nói vần với ca dao, đề cập những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa".

Theo ông A Jar, trước đây, mỗi buôn làng Tây Nguyên có hàng chục người có thể hát kể sử thi nhưng nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. "Sử thi Tây Nguyên là kho tàng văn hóa tinh thần vô giá, cần được gìn giữ, lưu truyền" - ông bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo