Nghề làm muối ở Bạc Liêu có bề dày lịch sử khoảng 200 năm và được xem là một trong những nghề truyền thống tại địa phương. Những diêm dân xứ Bạc Liêu đang "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để làm ra những hạt muối chất lượng, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thương hiệu muối nổi tiếng
Trong tiết trời se lạnh của những ngày giữa tháng 12, chúng tôi tìm đến vùng "thủ phủ" muối tại Bạc Liêu ở huyện Đông Hải. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận khi đặt chân đến đây là sự hào sảng, mến khách và cần cù trong lao động của những diêm dân.

Diêm dân làm ra hạt muối rất vất vả nhưng giá cả bấp bênh
Nhấp vội ly trà nóng, ông Nguyễn Văn Nam (50 tuổi; ngụ huyện Đông Hải) cho hay gia đình đã có 3 thế hệ gắn bó với nghề làm muối. Bản thân ông cũng hơn 30 năm tuổi nghề.
Theo lời ông Nam, vào mùa làm muối dù trời có nắng như đổ lửa thì diêm dân vẫn vui. Lúc này, mọi người tất bật ra ruộng muối để hoàn thiện các công đoạn làm nền đất rồi dẫn nước biển vào.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, nước bốc hơi sẽ làm tăng độ mặn của nước biển tại ruộng phơi. Sau đó, diêm dân sẽ lấy phần nước đã tăng độ mặn ở lớp bên dưới ruộng để tạo muối. Khi muối kết tủa, người dân dùng dụng cụ cào muối tập trung thành từng đống và quy trình này cứ diễn ra liên lục cho đến khi thu hoạch.
"Trời nắng cỡ nào chúng tôi cũng chịu được chứ mưa thì muối tan hết, bao công sức bỏ ra coi như đổ sông, đổ biển. Tuy công việc có vất vả, cực nhọc nhưng diêm dân vẫn quyết tâm bám trụ để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại" - ông Nam khẳng định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu, diện tích sản xuất muối trên địa bàn tỉnh khoảng 1.500 ha, tập trung tại các huyện Hòa Bình và Đông Hải với hơn 1.520 lao động. Trong niên vụ 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất bình quân đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha muối trắng.

Những khu vực làm muối thường không một bóng cây nên rất nóng
Diêm dân nơi đây càng thêm phấn khởi khi muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013; nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2020.
Muối Bạc Liêu bảo đảm độ mặn nhưng không đắng, chát cộng với chất lượng đã được khẳng định nên không chỉ người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn chinh phục các thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu không ngừng hỗ trợ, khuyến khích diêm dân, công ty sản xuất muối áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng nhằm phục vụ người tiêu dùng được tốt nhất.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành sản xuất muối ở Bạc Liêu cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ như: năng suất không ổn định, giá cả bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết …
Nâng cao lợi nhuận cho diêm dân
Trong buổi "cà phê doanh nhân" vừa diễn ra tại Bạc Liêu, bà Võ Thị Hồng Thoại, Giám đốc Công ty CP Vũ Võ, cho hay ngoài những kết quả đạt được thì ngành sản xuất muối của tỉnh đang gặp một số khó khăn như: hạ tầng nghề muối hạn chế, lợi nhuận của diêm dân chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Hạ tầng nghề sản xuất muối hạn chế dẫn đến tình trạng giá muối thương lái mua trong diêm dân thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì cao gấp 2 lần do phải qua nhiều khâu vận chuyển. Cũng theo bà Thoại, vấn đề công ty lo lắng hiện nay là tình trạng muối trắng dùng trong chế biến thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
"Các năm 2022 và 2023, lượng muối trắng công ty mua chưa đáp ứng được 30% nhu cầu của đơn vị dù đã đặt hàng trước. Tôi mong muốn các ngành chức năng tỉnh cần khảo sát nhu cầu sử dụng muối của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn để đưa quy hoạch phát triển hạ tầng nghề muối phù hợp. Nếu làm tốt những việc trên sẽ gỡ được bài toán khó cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho diêm dân" - bà Thoại thông tin.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đánh giá muối Bạc Liêu rất nổi tiếng nhưng diêm dân chưa thể sống được từ nghề. "Làm muối là một công việc vất vả hơn nhiều so với những nghề nông khác nên chỉ có những người thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài. Thời gian qua, không ít diêm dân phải bỏ nghề để chuyển sang làm công việc khác do muối làm ra bán giá rẻ nên người dân không thể sống được" - ông Thiều nói.
Dự kiến trong năm 2024, tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp cùng Bộ NN-PTNT tổ chức Festival Muối nhằm tôn vinh, động viên những diêm dân gắn bó với nghề làm muối truyền thống tại địa phương. Bởi lẽ, để nghề muối phát triển bền vững thì cần sự phối hợp nhịp nhàng và vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng chứ không thể để diêm dân "tự bơi".
Xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu
Bạc Liêu vừa đón nhận tin vui là Bộ NN-PTNT đã cấp cho tỉnh 130 tỉ đồng để đầu tư, khai thác hạ tầng nghề muối. Dự kiến trong quy hoạch tỉnh, Bạc Liêu sẽ giữ lại 1.650 ha làm muối để góp phần gìn giữ nghề truyền thống của địa phương và nghề Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng nếu không có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và động viên diêm dân gắn bó với nghề làm muối truyền thống thì chỉ trong một vài năm nữa sẽ không còn ai gắn bó. "Muốn nâng cao thu nhập để diêm dân sống được từ nghề thì cần có chính sách đầu tư triển khai và xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu, tạo ra nhiều sản phẩm để người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn..." - ông Phạm Văn Thiều nêu giải pháp.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH



Bình luận (0)