Kỷ luật là một vấn đề cốt yếu của Đảng ta. Tuy nhiên, thời gian qua, trong một số văn kiện của Đảng, vấn đề kỷ luật trong Đảng được nhắc đến còn hạn chế. Đó là kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém; khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài nên kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm...
Thời gian qua, các vi phạm kỷ luật của Đảng có một số biểu hiện chủ yếu như: Không chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa; làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó là nói và viết không đúng quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu. Bản thân có những phát biểu, bài viết không thể hiện được tính kỷ luật Đảng hoặc a dua với những luận điệu sai lệch, để tỏ ra mình có tư tưởng phản biện, tiến bộ…, nhưng kỳ thực là tự mâu thuẫn với chính mình.
Có một số trường hợp tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn. Thậm chí tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
Đáng nói hơn là nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực... Từ đó, có thể hình thành những nhóm lợi ích, tác động xấu đến việc ban hành các chính sách tích cực, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân.
Nhìn chung, những biểu hiện đó là chưa làm đúng trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, là vi phạm các quy định về những điều đảng viên không được làm, nhiều trường hợp là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vi phạm kỷ luật Đảng có thể coi là một biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", trong một số trường hợp chính là suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc quản lý đảng viên trong tổ chức Đảng, nhất là từ chi bộ; tiếp tục hoàn thiện những quy định về kiểm tra, giám sát và xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng; tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp luật về việc ngăn ngừa, xử lý các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, nhất là về hành vi tham nhũng. Song song đó, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp đảng viên có sai phạm để tạo sự giáo dục và răn đe chung.
Bình luận (0)